Hơn 550 container đang ùn ứ tại cửa khẩu chờ sang Trung Quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:18, 12/02/2020
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tính đến ngày 11.2, tại tỉnh Lạng Sơn đang tồn đọng 227 xe container nông sản như thanh long, mít, ớt, nhãn để chờ xuất sang Trung Quốc.
Trong đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị còn tồn 106 container, cửa khẩu Tân Thanh tồn 109 xe thanh long, cửa khẩu Cốc Nam và Chi Ma tồn 12 xe. Cửa khẩu Ga Đồng Đăng tồn 41 toa hàng, trong đó có 7 toa thanh long chờ xuất khẩu, 37 toa thép chờ nhập khẩu.
Tại tỉnh Lào Cai còn tồn hơn 300 xe trái cây gồm: thanh long, mít, dưa hấu, chuối. Cửa khẩu Kim Thành II đã xuất khẩu được 58 xe (46 xe thanh long, 7 xe dưa hấu, 3 xe mít, 2 xe chuối), tuy nhiên tốc độ thông quan chậm hơn nhiều so với bình thường do phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh vi rút corona chủng mới (nCoV/Covid-19).
Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng đang có 30 xe trái cây các loại, tương đương 450 tấn và 500 tấn trái cây doanh nghiệp đã có hợp đồng thu mua, chuẩn bị vận chuyển lên cửa khẩu. Tại đây cũng đang tồn 36.800 tấn tinh bột sắn tại cảng Vạn Gia và cảng thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, và khoảng 20.000 tấn đã ký hợp đồng, đang trên đường vận chuyển ra thành phố Móng Cái để xuất sang biên giới.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết việc Trung Quốc lùi thời gian mở cửa trở lại các cặp cửa khẩu phụ với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và Hà Giang đến hết tháng 2 đã tác động lớn tới xuất khẩu các mặt hàng nông sản theo phương thức trao đổi cư dân biên giới.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đề nghị đối với các loại nông sản đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (như thanh long và dưa hấu), kiến nghị các doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các biện pháp để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.
Với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ và tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay.
Tuyết Nhung