Doanh nghiệp dệt may gặp khó vì phụ thuộc nguyên liệu, nhân công Trung Quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:57, 11/02/2020
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết hiện công ty đang bị ảnh hưởng bì vật tư, nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc. Sản phẩm của công ty có tỷ lệ nội địa hóa cao, đế giày 100% nguyên liệu trong nước, vật tư mũ 100% trong nước, các chi tiết trang trí cũng đạt 100% từ trong nước). Tuy nhiên, một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty Eurolink (nhà máy sản xuất mặt hàng thời trang đồ da và may mặc) chia sẻ hiện, tình hình sản xuất kinh doanh của quý 1/2020 đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu. Các kế hoạch của nhà máy tham gia các chương trình triển lãm phục vụ cho việc phát triển giai đoạn 2020 - 2025, các hội chợ kết nối giao thương... cũng bị ảnh hưởng.
"Khi triển khai nhiệm vụ năm 2020, lúc đó chưa có dịch nCoV, công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn như hiện nay do ảnh hưởng từ dịch nCoV, công ty sẽ điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế", ông Nguyễn Hữu Thành nói.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Việc xảy ra dịch nCoV đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng, nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc có thể đóng cửa trong tháng 2, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng.
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh. Nếu bệnh dịch không thể dập tắt được trong 1 - 2 tháng tới, thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam đều gặp khó khăn.
Về cơ quan quản lý, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết đã và sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất.
Tuyết Nhung