EVFTA thông qua, ngành dệt may Việt Nam liệu có 'cất cánh'?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:45, 19/02/2020
Ngày 12.2, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký ngày 30.6.2019 tại Hà Nội sau 7 năm đàm phán. Đây là 2 hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực sự sẽ là một cú hích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung, dài hạn. Việc xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ.
Ngoài ra, khi tham gia EVFTA, Việt Nam có thể trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Một lượng lớn vốn từ các doanh nghiệp EU sẽ được đầu tư vào Việt Nam, giúp nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, hầu hết các sản phẩm sợi, vải sẽ được miễn thuế ngay lập tức trong khi hàng may mặc sẽ giảm dần về 0% trong 6 - 8 năm. Từ đó, hàng may mặc Việt Nam ngày càng rút ngắn khoảng cách với Bangladesh (0%) và lợi thế hơn so với Trung Quốc (12%), trong khi chính sách ưu đãi thuế cho Cambodia (0%) đang bị ngưng do các vi phạm quyền lao động thời gian gần đây.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng, tác động từ EVFTA trong ngắn hạn là tương đối do khả năng tự chủ nguyên vật liệu là hạn chế trong khi EVFTA đòi hỏi quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”. Cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan với hàng may mặc phải diễn ra theo lộ trình.
Vì vậy, điểm sáng EVFTA chỉ thật sự mang đến cơ hội cho những doanh nghiệp có năng lực tự chủ nguyên vật liệu cũng như tệp khách hàng EU lớn như Công ty Đầu tư - Thương mại TNG và Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công TCM. Theo lý giải BVSC, hiện nay, EU là thị trường lớn nhất của TNG, chiếm 54% doanh thu. Trong khi đó, EU chỉ đóng góp khoảng 5% doanh thu may của TCM, nhưng việc có thể tự chủ 60-70% nguyên vật liệu sản xuất giúp TCM có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, đối với ngành dệt may, EVFTA dự kiến sẽ mở rộng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU - thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong năm 2019, EU nhập khẩu 4,4 tỉ USD giá trị xuất khẩu từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm trước đó. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.
SSI Research cho biết, Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP.
Điều này có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi vì mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay.
Cụ thể, hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU, thuế nhập khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3 - 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, những sản phẩm được giảm thuế ngay lập tức lại là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.
Đáng chú ý, theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan. “Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi. Trên thực tế, không có nhiều công ty trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA do quy định ROO”, SSI Research nhận định.
Phan Diệu