Bộ Công Thương khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên biên giới

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:14, 19/02/2020

Trước tình hình một số cửa khẩu tại Lạng Sơn đã mở cửa trở lại kéo theo lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên đây ngày càng nhiều, Bộ Công Thương khuyến cáo các địa phương rà soát công tác sản xuất, đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp cân nhắc hạn chế ồ ạt đưa hàng lên biên giới.
Hàng trăm xe chở nông sản, hàng hóa vẫn ùn ứ tại cửa khẩu - Ảnh: Internet

Bộ Công Thương vừa tiếp tục cập nhật tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tính đến ngày 17.2. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn đã xuất 171 xe, bao gồm nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay; tồn 338 xe nông sản, hoa quả (mít, thanh long, ớt, nhãn), linh kiện điện tử xuất khẩu.

Còn tại tỉnh Lào Cai, tổng số xe xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành II là 239 xe. Trong đó, xuất khẩu là 56 xe và nhập khẩu là 150 xe. “Hiện tại cửa khẩu này còn tồn đọng khoảng 200 xe trái cây tươi đang chờ xuất; không còn tồn hàng nhập khẩu”, báo cáo Bộ Công Thương cho biết.

Còn lại cửa khẩu Cốc Nam tồn 10 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm). Cửa khẩu Chi Ma: tồn 4 xe xuất khẩu (1 xe tải nhập khẩu thạch đen; 1 xe hạt tiêu, 2 xe quả sung khô). Cửa khẩu Ga Đồng Đăng: Nhập khẩu 34 toa thép, than điện cực; tồn nhập 15 toa, trong đó 8 toa thép tấm, 7 toa quặng sắt. Còn lại các tỉnh khác không có diễn biến phát sinh.

Trước tình hình hàng hóa, nông sản ùn ứ dài ngày tại cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 18.2 đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.

Dù đã có nhiều nỗ lực để chuyển đổi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch nhưng xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có nhiều loại trái cây tươi.

Đến nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến dịch bệnh Covid -19 có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đã đề nghị các UBND phối hợp, trước hết là khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.

Hai là, đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn.

Bên cạnh đó là theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng; liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

"Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.

Tuyết Nhung