Chạy nước rút với Hiệp định EVFTA trong bối cảnh Covid-19
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:52, 27/02/2020
Cấp bách hoàn thành thủ tục
Theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để hiệp định có hiệu lực. Theo đó, nếu Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua và kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu thì có thể ngay từ 1.7 tới, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, quy trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA có 3 bước gồm: Bộ Công Thương trình hồ sơ phê chuẩn liên chính phủ sau khi đã lấy ý kiến của các bộ ngành; Chính phủ trình hồ sơ lên Chủ tịch nước; Chủ tịch nước trình hồ sơ lên Quốc hội để xem xét việc phê chuẩn.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết trong công tác thực thi có 2 nhiệm vụ lớn Bộ Công Thương cần phải tiến hành ngay trong thời gian tới, đó là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng Kế hoạch công tác của Bộ Công Thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Đối với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ông Lương Hoàng Thái đề xuất các đơn vị trong Bộ sớm soạn thảo các văn bản lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chủ động sẵn sàng đưa các văn bản vào thực thi khi đã được phê chuẩn.
Đối với xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch công tác của Bộ Công Thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA, phải có sự tham gia đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để ban hành chính sách hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vào 3 nhóm vấn đề lớn cần phải tập trung là: Hoàn tất cơ sở pháp lý; Phối hợp với EU để thúc đẩy và vận hành hiệp định; Tổ chức và triển khai hiệp định trong năm 2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, trong năm 2020, bối cảnh kinh tế khó khăn, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khối lượng công việc liên quan đến hoàn tất cơ sở pháp lý nhiều và gấp rút, phải đẩy nhanh để không bỏ lỡ cơ hội. Đây cũng chính là nhiệm vụ chủ chốt Bộ phải làm gấp.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên làm rõ cơ chế vai trò của các cơ quan đầu mối trong việc phối hợp với các bộ ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách thực thi hiệp định để báo cáo Thủ tướng. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tự đánh giá lại các nhiệm vụ của mình và rà soát lại cam kết hội nhập và chương trình hành động cụ thể.
“Nếu không cung cấp được chính sách pháp luật tốt thì chúng ta sẽ không thể kịp trong tháng 7 khi hiệp định đi vào thực thi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu trong công tác phê chuẩn cũng như thực thi hiệp định sắp tới phải tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính; cũng như đánh giá những tác động cụ thể tới từng nhóm mặt hàng, từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, cũng như lợi thế cạnh tranh, cơ hội có thể tiếp cận từ hiệp định...
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cụ thể hóa được đặc điểm chỉ dẫn địa lý từng thị trường trong khu vực; trên cơ sở đó xây dựng tiêu chuẩn, định hướng, đảm bảo bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường mới cũng như tận dụng được những lợi thế, cơ hội mà hiệp định mang lại. Đồng thời cần có định hướng rõ cho cộng đồng doanh nghiệp những quy định, quy chuẩn về chỉ dẫn địa lý và sức ép cạnh tranh mà doanh nghiệp đối mặt khi thực hiện hiệp định.
Đối với Cục phòng vệ thương mại, Bộ trưởng yêu cầu dưới các hình thức phù hợp, Cục phải tham vấn các chính sách, quy định về công tác phòng vệ thương mại, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam các kiến thức hội nhập và phòng vệ thương mại. "Chúng ta cần có những chỉ dẫn, giải pháp để doanh nghiệp áp dụng được cơ chế ưu đãi của hiệp định, nhưng cũng phải có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm", Bộ trưởng cho hay.
Kỳ vọng chuyển dịch các chuỗi giá trị
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi nền kinh tế Việt Nam là một mắt xích, thì việc EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, lại đang được kỳ vọng mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.
Nói về tác động của hiệp định này tới Việt Nam, trao đổi với báo Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định hiệp định mở cửa cho Việt Nam ở mức độ rất cao với số dòng thuế lên tới hơn 90%. Tận dụng tốt, Việt Nam sẽ đưa năng suất lao động lên cao và tăng trưởng GDP lên tốc độ tương đối nhanh.
Theo vị chuyên gia này, để tận dụng được những cơ hội từ EVFTA, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng kết nối doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực tế hiện nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, môi trường kinh doanh, hệ thống thể chế cũng cần nhiều thay đổi.
"Chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh để không đè gánh nặng, áp lực lên doanh nghiệp. Khả năng kết nối của doanh nghiệp hiện nay rất kém, nên khi thách thức đè lên, người ta được lợi 10, mình chỉ được 1. Vì vậy, những yếu tố trên rất quan trọng để đẩy mạnh nội lực kinh tế của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA. Hiệp định sắp thực thi, thời gian giảm thuế cũng sắp tới, tốc độ giảm thuế cũng nhanh, cơ quan quản lý cần phải kết hợp, tương trợ tốt với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần trang bị tốt từ kiến thức đến thực thi hiệp định để có thể tận dụng tối ưu mọi cơ hội", chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tác động kép của Covid-19 và Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, theo TS Vũ Tiến Lộc, EVFTA sẽ có tác động tích cực tới lao động. Trong đó, những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Hiệp định này sẽ tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, do đó kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn.
Hiện nay, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ nên ít có cạnh tranh trực tiếp, ngược lại sẽ tạo ra những ngành hàng Việt Nam có lợi thế và là "cơ hội vàng" cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo sẽ có những ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất trong các hiệp định FTA mà Việt Nam đã được ký kết.
Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.
Tuyết Nhung