Bài toán chặn thất thoát hàng nghìn tỉ đồng từ dự án BOT, BT
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:35, 05/03/2020
Tại Hội thảo về dự án PPP ngày 3.3, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết: Trong 3 năm 2016-2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông. Trong đó đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỉ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán. Nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán.
Trong 84 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày.
Kiểm toán khoảng 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỉ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán, thậm chí, trong các dự án được kiểm toán, tổng thời gian đề nghị cắt bớt thời hạn thu phí lên tới 170 năm…
Ông Lê Tùng Lâm - Phó Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước cho biết nếu các dự án BOT, BT không được kiểm toán có thể dẫn tới số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên đầu người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong khi ngân sách Nhà nước bị thiệt hại.
Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách như: Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Bình - Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí và thách thức trong thực hiện dự án PPP là do không được thanh tra, kiểm toán kịp thời.
Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát (các đơn vị thầu phụ) dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát.
Ngoài ra, cơ chế thanh toán bằng trái phiếu Chính phủ cũng đã làm biến tướng BT thành dự án đầu tư công đích thực, nhất là đối với dự án được cơ quan quản lý cho thanh toán một phần vốn trước khi công trình hoàn thành, giống như cơ chế giải ngân dự án đầu tư công thông thường khác.
Ông Phương dẫn lại số liệu kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT năm 2019 cho biết Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính là 72.873 tỉ đồng. Đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công…
Trao đổi với báo Một Thế Giới về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đầu tư theo hình thức BT có nhiều khoảng trống trong quy định của pháp luật khiến không ít các dự án BT nhiều năm chậm tiến độ.
Những dự án này cũng thiếu minh bạch ở chỗ đều được chỉ định thầu. Việc xác định tổng mức đầu tư, quyết toán, thực hiện đều do các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tự thương thảo với nhau. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho lợi ích nhóm. Do vậy, có thể thấy rằng thất thoát nếu có là vô cùng lớn.
Đề xuất những giải pháp chống thất thoát, lãng phí trong các dự án PPP, GS Võ cho rằng cần thiết sớm xây dựng luật về PPP. Luật đưa ra cần có quy định rõ ràng về bài toán thu chi, hình thức thu… để làm cơ sở áp dụng cho từng dự án. Theo GS Võ, mỗi dự án có đặc thù riêng nên luật không cần quy định cụ thể mà nên xây dựng nghị định dưới luật để hướng dẫn cách tính toán cũng như các nguyên tắc liên quan. Bên cạnh đó cũng cần xác định được khi nào áp dụng hình thức PPP và áp dụng loại hình nào trong hình thức này.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng việc ban hành Luật PPP là cần thiết, cấp bách nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hành vi của tất cả các bên liên quan đến PPP, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với dự án PPP, một mặt thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của PPP, mặt khác kịp thời ngăn chặn và xử lý có hiệu quả những sai phạm phát sinh trong quá trình thực hiện PPP.
Tuyết Nhung