Du lịch mất 7 tỉ USD vì dịch Covid-19
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:13, 03/03/2020
Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch…
"Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỉ USD do dịch bệnh”, người phát ngôn chính phủ nói.
Nói về việc phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh phải kiên quyết áp dụng cách ly tập trung, không để lây lan dịch từ bên ngoài vào.
Người phát ngôn chính phủ nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để rơi vào bị động. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị dịch bệnh; tập trung tái cơ cấu sản xuất; đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong tình hình dịch bệnh, tránh thanh toán trực tiếp mà đẩy mạnh thanh toán trực tuyến.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; Khách quốc tế tăng 4,8% - mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) - mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2.2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Cùng ngày, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3.3, các thành viên Chính phủ đã họp bàn đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như những giải pháp để đạt mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Ở Việt Nam, dịch Covid-19 tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.
Thủ tướng nêu thực tế có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người nhưng cũng không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Nói về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu và đã có nhiều bài học. Hiện, dịch bệnh đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đều có các kịch bản.
Ví dụ khi dịch lan ra ở Hàn Quốc, Việt Nam áp dụng biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát. Sau đó cơ quan quản lý làm việc với Hàn Quốc về việc miễn thị thực. Tiếp đó, tiến hành cách ly tất cả hành khách đi qua, đến từ vùng dịch.
Cùng với đó là chỉ định 3 sân bay đón khách về từ vùng dịch như sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ, dừng đón khách Hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trước đây có khoảng 70 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng nay còn rất ít.
"Về khả năng cách ly, hệ thống quân đội có trên 60 điểm với khoảng hơn 30.000 chỗ cách ly. Hiện chúng ta điều phối cách ly ở các địa phương và đã có hơn 10.000 người đang được cách ly, vẫn có thể cách ly được thêm lượng người nữa...", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.
Tuyết Nhung