Nguy cơ mất 2,3 tỉ USD vì giá dầu lao dốc mạnh, PVN muốn tăng dự trữ dầu thô
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:02, 20/03/2020
Thông tin vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra trong bối cảnh ngành dầu khí đang phải chịu tác động kép do dịch COVID-19 lan rộng và giá dầu thế giới giảm sâu dẫn tới lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác.
Giá dầu thời gian qua liên tục sụt giảm do thỏa thuận cắt giảm sản xuất OPEC và Nga không đạt được kết quả, cùng với đó các bên đều công bố gia tăng sản lượng sản xuất trong thời gian tới, chấp nhận giảm giá. Điều này đã gây sức ép, giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí.
Cụ thể, ngày 18.3 vừa qua, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24-25 USD/thùng. Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng trong những ngày tới.
PVN nhìn nhận ngành dầu khí đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu xuống thấp và dịch COVID-19. Hai yếu tố trên khiến lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỉ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỉ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỉ USD xuống còn 806 triệu USD.
Điều này tương ứng với việc PVN mất 2,3 tỉ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước. Hệ lụy này, theo PVN còn tác động đến nhiều địa phương liên quan. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số thu ngân sách 2 tháng đầu năm của Tỉnh đạt 15.177,8 tỉ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (6.995,1 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng cho biết các dự án trọng điểm sẽ chịu ảnh hưởng rất mạnh về tìm kiếm, thăm dò, khai thác... đều chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án, tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong tỏa, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm...
Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Hiện tại, tồn kho xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tồn kho trong tháng 3, tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có xu hướng tăng nhanh do khách hàng lùi lịch nhận hàng vì tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu các đơn vị duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh một cách an toàn, không để gián đoạn, tiết giảm chi phí.
Đặc biệt, PVN cũng tính toán các kịch bản xấu nhất, khi giá dầu xuống thấp nhất buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.
PVN cũng tính toán có thể xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Mục tiêu là để tăng dự trữ dầu thô, vừa củng cố an ninh năng lượng, giúp ngân sách tiết kiệm ngoại tệ.
"Lợi ích từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn là Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng", PVN cho hay
PVN cũng kiến nghị Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò - khai thác dầu khí...
Tuyết Nhung