SATRA sẽ thoái 100% vốn tại SHB, Saigonbank và 17 công ty khác
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:46, 29/03/2020
Theo đó, SATRA dự kiến Nhà nước giữ 66% vốn điều lệ sau khi sắp xếp, thoái vốn theo phương án cơ cấu lại trình UBND TP.HCM. Về phương án này, SATRA đang trình duyệt khi có quyết định phê duyệt, Tổng công ty sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ theo chủ trương.
Hiện công ty mẹ không nắm giữ 100% vốn điều lệ của công ty con nào. Đối với các công ty con do công ty mẹ nắm giữ cổ phần chi phối thì các phương án cổ phần hóa được dự kiến gồm thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 17 công ty (cổ phần), bao gồm: Cao su TP.HCM, Dầu khí sài Gòn, Thương mại Sài Gòn Tây Nam, Thương mại Sài Gòn Phương Trang; Cung ứng Tàu biển Sài Gòn, Bách hóa Điện máy Sài Gòn...
Bên cạnh đó, SATRA cũng thoái vốn toàn bộ vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Công Thương (Saigonbank).
Hiện có một số công ty con mà Nhà nước dự kiến nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là: Công ty CP Việt Nam kỷ nghệ súc sản (Vissan) với 67,76%; Công ty TNHH Lương thực Ngọc Đồng 90%; Công ty CP Vật tư tổng hợp TP.HCM 55,68%; Công ty CP TM-DV quận 3 là 51%. Riêng Công ty CP Bình Điền, tỉ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần dự kiến sau cổ phần hóa là 29%.
Bộ Xây dựng thì thông báo sẽ tiếp tục các bước thoái 38,85% vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty Viglacera-CTCP trong năm 2020.
Đầu tháng 3, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng chia sẻ, theo kế hoạch tái cơ cấu được phê duyệt, Công ty mẹ - Tổng công ty sẽ tiến hành thoái vốn tại 13 doanh nghiệp thành viên trong năm 2020. Cụ thể:
Tỉ lệ tại Công ty CP Vận tải biển Việt Nam giảm từ 51% xuống 49% (2,8 triệu cổ phần); Công ty CP Vận tải biển Vinaship giảm từ 51% xuống 36% (3 triệu cổ phần); Công ty CP Cảng Cái Lân giảm từ 56,58% xuống 51% (hơn 2 triệu cổ phần); Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao giảm từ 56% xuống 51%.
Thoái vốn toàn bộ tại 7 doanh nghiệp: Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (49%), Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (26,46%), Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài (24,9%), Công ty CP Đầu tư và Thương mại hàng hải (12,94%); Công ty CP Hàng hải Đông Đô (48,97%), Công ty CP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (49%) và Công ty CP Vinalines Nha Trang (98,34%).
Vinalines cũng dự kiến thoái 300.000 cổ phần tại Công ty CP phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa và hơn 47.800 cổ phần tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec).
Trong số doanh nghiệp Vinalines dự kiến thoái vốn, có 10/13 doanh nghiệp đã niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trước tình hình chưa có dấu hiệu dừng của đại dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp trong danh sách dự kiến bán vốn của Vinalines có khả năng sẽ rơi vào kịch bản “mang đến rồi lại mang về”.
Ba năm qua, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam luôn là thông tin hấp dẫn tạo sóng cho cổ phiếu và nhà đầu tư đã có khá nhiều “kinh nghiệm” tìm kiếm lợi nhuận nhờ ăn theo “hiệu ứng” thoái vốn.
Dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 1232/QĐ-TTg cùng danh mục các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào đầu tháng 2.2020.
Theo Quyết định 1232, trong giai đoạn 2017-2020, các bộ, địa phương phải thực hiện thoái vốn tại 131 lượt doanh nghiệp trong năm 2017, 126 lượt doanh nghiệp trong năm 2018, 57 lượt doanh nghiệp trong năm 2019 và 26 lượt doanh nghiệp trong năm 2020.
Bộ còn đề xuất danh mục doanh nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thoái vốn hoàn thành trước ngày 31.12.2020 có 175 doanh nghiệp; bao gồm 160 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn cần phải thoái theo Quyết định 1232 trong cả giai đoạn 2017-2020 đến nay chưa hoàn thành thoái vốn, 8 doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh giảm tỷ lệ thoái vốn để tăng tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau năm 2020 so với tỷ lệ tại Quyết định 1232 với mức giảm từ tỷ lệ trên 56% đến trên 95% xuống còn dao động từ 15% đến 41,49%.
A.T.T tổng hợp