Doanh nghiệp cần làm gì để được hưởng lợi từ gói gia hạn 180.000 tỉ đồng?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:16, 07/04/2020

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định với gói gia hạn 180.000 tỉ đồng này thì 98% doanh nghiệp trên cả nước sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp băn khoăn hiện nay là thủ tục cũng như giấy tờ để xin gia hạn các khoản thuế.
98% doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất - Ảnh: Tuyết Nhung

Trong lần đề xuất đầu tiên, Bộ Tài chính tính giãn, hoãn khoảng 80.200 tỉ đồng tiền thuế và thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng từ COVID-19. Đến ngày 3.4, Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung nhóm đối tượng, ngành nghề mới với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn lên khoảng 180.000 tỉ đồng, tăng gần 100.000 tỉ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại tờ trình trước đó, và gấp 6 lần số tiền gia hạn dự tính ban đầu là 30.000 tỉ đồng.

Trao đổi với báo chí ngày 7.4 về gói tài khóa 180.000 tỉ đồng này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm 2 ngành kinh tế cấp 1 là xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đối với ngành kinh tế cấp 2, Bộ Tài chính bổ sung 11 ngành gồm: Chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ, vật liệu và vật liệu tết bện; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; Sản xuất sản phẩm từ plastic; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, ví dụ từ sản phẩm gạch, thiết bị vệ sinh; Sản xuất kim loại; Gia công cơ khí và tráng phủ kim loại; Sản xuất giường tủ, bàn ghế; Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và tiền phẩm; Sản phẩm cơ khí trọng điểm; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng.

"Có thể thấy, Dự thảo Nghị định bổ sung thêm 2 ngành kinh tế cấp 1 và tới 11 ngành kinh tế cấp 2 vào lĩnh vực được gia hạn là khá rộng. Vì vậy, gói hỗ trợ đang dự kiến khoảng hơn 80 nghìn tỉ như dự thảo trước đã tăng lên hơn 180.000 tỉ đồng", ông Thi cho hay.

Liên quan đến việc hiện nay đã qua ngày quyết toán 30.3, các trường hợp được gia hạn các loại thuế sẽ cần những thủ tục như thế nào để có thể được hưởng lợi từ gói gia hạn này, ông Thi cho biết thứ nhất, để các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ngay gia hạn thì trong dự thảo trình Chính phủ đã cho phép Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Thứ hai, về thủ tục hành chính. Để đơn giản trong quá trình thực thi gói hỗ trợ này thì doanh nghiệp chỉ cần làm đơn đề nghị và nộp 1 lần cho các cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Trong dự thảo có mẫu đơn đính kèm. Các loại thuế xin gia hạn, doanh nghiệp chỉ cần điền vào mẫu và gửi cho cơ quan Thuế trước 30.7.2020. Đơn xin gia hạn được gửi cùng với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (có loại khai theo tháng, có loại khai theo quý).

Với thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Thi nói: "Theo quy định hiện hành, đến ngày 30.3, hay nói cách khác là sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế và nộp thuế. Hiện nay, mặc dù đã qua ngày phải khai và nộp thuế nhưng việc gia hạn lần này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ vào 26.3, trên cơ sở đó, thông qua Cổng Thông tin Bộ Tài chính cũng như chỉ đạo Tổng cục Thuế thông báo cho các Cục Thuế địa phương biết được tinh thần và nội dung trên để thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã chấp hành tốt, nộp trước rồi thì chúng tôi cho phép bù trừ vào các khoản thuế phải nộp khác để đảm bảo các doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi này".

Trong Dự thảo Nghị định lần này, ông Thi cho biết Bộ Tài chính đã tiếp thu cơ bản, tối đa ý kiến của các hiệp hội, bộ, ngành. Do đó, ước tính tổng số doanh nghiệp được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất lần này lên tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước.

Dưới đây là các nhóm ngành, lĩnh vực kinh doanh được áp dụng trong gói gia hạn 180.000 tỉ đồng:

Ngành sản xuất

Lĩnh vực kinh doanh

Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan

Hoạt động kinh doanh bất động sản

Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa

Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm

Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện

Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng

Sản xuất kim loại, gia công cơ khí

Hoạt động vui chơi giải trí

Xử lý và tráng phủ kim loại

Các hoạt động văn hóa khác

Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác

Vận tải hành khách bằng xe bus

Xây dựng

Vận tải đường thuỷ

Sản xuất ôtô và xe có động cơ (dưới 9 chỗ)

Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ

Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế

Dịch vụ ăn uống

Sản xuất, chế biến thực phẩm

Giáo dục & đào tạo

Sản xuất trang phục

Sáng tác, nghệ thuật và giải trí

Sản xuất sản phẩm từ cao su

Hoạt động của vườn bách thảo...

Sản xuất giày dép

Vận tải đường sắt

Dệt

Vận tải đường bộ

Sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học

Vận tải hàng không

Dịch vụ lưu trú

Đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch

Y tế & hoạt động trợ giúp xã hội

Hoạt động thể thao

Hoạt động chiếu phim

Tuyết Nhung