EVN lên tiếng việc hàng loạt hộ dân nhận hóa đơn điện tăng vọt

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:05, 12/04/2020

Việc nhận được hóa đơn tiền điện tăng vọt trong lúc mong chờ được giảm giá điện khiến không ít hộ gia đình cảm thấy hoang mang và lo lắng vì cho đến nay các cơ quan quản lý cũng như ngành điện đều đã ủng hộ chủ trương giảm giá điện cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhiều hộ dân nhận hóa đơn tiền điện tăng vọt - Ảnh: minh họa

Hiện tại là lúc cao điểm trong việc sử dụng điện của người dân do lệnh cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa thấy ngành điện có quyết định gì về việc giảm bao nhiêu và khi nào giảm. Trong lúc hàng triệu hộ gia đình đang ngóng trông giảm giá điện thì đã đến kỳ đóng tiền điện tháng 4, hàng loạt hộ gia đình phải nhận hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Nói về việc đến nay vẫn chưa có "động tĩnh" giảm giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa lên tiếng cho biết đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, cũng như về thời gian áp dụng. Tuy nhiên, EVN khẳng định sẽ huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan chức năng, nhằm kịp thời giảm thiểu phần nào khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Về lượng điện tiêu thụ của người dân tăng trong tháng 3, EVN giải thích theo quy luật thời tiết, tháng 3 hằng năm, khu vực phía Nam bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Riêng tháng 3, có một số đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài, với mức nhiệt độ trên 35 độ C. Việc sử dụng các thiết bị làm mát tiêu thụ nhiều điện năng, nhất là máy lạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng điện tiêu thụ tăng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều điện hơn, do chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng. Sản lượng điện sinh hoạt toàn quốc tháng 3 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó TP.Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13%.

EVN cho biết trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện, nhân viên điện lực sẽ phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện. Đặc biệt, với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, các tổng công ty Điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số công tơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện.

"Các tổng công ty Điện lực cam kết bố trí đủ nhân lực và phương tiện để kiểm tra, phúc tra, đối soát và có giải đáp thỏa đáng cho khách hàng, kể cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hiện nay. Với mẫu hóa đơn tiền điện mới, người dân có thể chủ động so sánh mức độ sử dụng của gia đình mình với các hộ trong cùng khu vực để thấy được tính quy luật của việc sử dụng điện theo tháng, mùa trong năm", EVN cho hay.

Ngày 1.4, EVN đã có báo cáo chương trình giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19, với mức giảm từ 10%, 50% đến 100% cho một số đối tượng trong 6 tháng, từ tháng 4 - 9.2020. Tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đề xuất ban đầu của EVN, đối tượng giảm trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung; các viện xét nghiệm virus SARS-CoV-2; các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm giá điện 10% cho sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình từ tháng 4 đến tháng 6. Dù đối tượng được giảm đã mở rộng hơn so với đề xuất trước đó nhưng theo tính toán, nếu đề xuất này được thông qua thì mức giảm nhiều nhất cũng khoảng 62.000 đồng, thấp nhất là hơn 8.300 đồng.

Cụ thể, giá điện sinh hoạt của người dân hiện đang áp dụng ở 6 bậc khác nhau với đơn giá tăng lũy tiến theo từng bậc. Từ 0 - 50 kWh giá là 1.678 đồng/kWh; 51 - 100 kwh có giá 1.734 đồng/kWh; 101 - 200 kWh có giá 2.014 đồng/kWh; 201 - 300 kWh giá 2.834 đồng/kWh...

Tuyết Nhung