Tiếp tục cấm xe khách hoạt động, doanh nghiệp vận tải 'kêu cứu'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:40, 17/04/2020

Trong đợt giãn cách xã hội thứ 2 từ ngày 16 đến ngày 22.4, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu cấm xe khách hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.
Doanh nghiệp vận tải hoạt động cầm chừng trong mùa dịch - Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục Hàng không, Hàng hải, Đường thủy nội địa, Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trong đợt giãn cách thứ 2.

Theo đó, việc vận chuyện hành khách sẽ được phân chia với 3 nhóm địa phương. Trong đó, nhóm có nguy cơ cao (nhóm I) gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM, Tây Ninh và Hà Tĩnh.

Nhóm II - nhóm có nguy cơ trung bình, gồm 15 địa phương: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp.

Nhóm III - nhóm có nguy cơ thấp, gồm các tỉnh còn lại.

Bộ GTVT yêu cầu từ 17-22.4, đối với vận tải liên tỉnh đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, các tỉnh thuộc nhóm I, nhóm II sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16 về lĩnh vực vận tải.

Không thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Trường hợp hành khách là người hết thời hạn cách ly hoặc trường hợp đặc biệt khác có nhu cầu di chuyển, Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

Các tỉnh thuộc nhóm III chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh trong nhóm III với nhau theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Bệnh dịch bùng nổ dẫn tới việc cách ly xã hội từ đầu tháng 4 đến nay, vận tải hành khách và hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp vận tải "kêu cứu"…

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn. Các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch lại tăng làm doanh nghiệp vận tải ngày càng khó khăn.

Theo VATA, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có doanh thu nhưng để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp vẫn duy trì trả tiền lương cho người lao động để chờ khi dịch đi qua có thể tiếp tục hoạt động được ngay. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải bỏ nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi của tháng 4, 5 và 6.2020; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 tháng đến 12 tháng (tính từ ngày công bố dịch); giảm 50% phí chuyển tiền; phí duy trì tài khoản; phí SMS Banking, Internet Banking…

Hiệp hội đề nghị tiếp tục được vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh, với lãi suất không quá 6%/năm trong năm 2020, và không quá 9% trong năm 2021.

Hiệp hội cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách đường bộ, hàng không… với mức hỗ trợ bằng 20% tổng số thuế thực nộp của doanh nghiệp trong năm 2019; giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp và người lao động miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng công bố dịch đến hết tháng 6.2020 hoặc đến khi công bố hết dịch COVID-19…

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12.2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ôtô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng…

Tuyết Nhung