Chính phủ đã trả nợ 112.769 tỉ đồng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:35, 16/04/2020
Bộ Tài chính cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020 (tính đến 20.3), Chính phủ đã ký kết 1 hiệp định vay vốn nước ngoài với Ngân hàng Thế giới trị giá khoảng 80 triệu USD.
Bên cạnh đó là thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 92 triệu USD, trong đó cấp phát khoảng 75 triệu USD, cho vay lại khoảng 18 triệu USD. Tính chung 3 tháng, giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 424 triệu USD (tương đương khoảng 9.834 tỉ đồng). Trong đó, cấp phát khoảng 335 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 88 triệu USD.
Trong tháng 3, Chính phủ trả nợ khoảng 25.588 tỉ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 17.678 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 7.911 tỉ đồng. 3 tháng đầu năm (tính đến 20.3), tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 112.769 tỉ đồng (tương đương với 31% kế hoạch cả năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 79.899 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 32.869 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cho biết tổng chi ngân sách 3 tháng qua là 343.100 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chi thường xuyên vẫn cao nhất, chiếm gần 246.600 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Về các khoản thu ngân sách, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong tháng 3, tuy nhiên nhờ nguồn thu tích cực từ tháng 1 và tháng 2 nên quý 1 năm nay, thu ngân sách vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, tổng thu đạt 391.000 tỉ đồng, bằng 25,9% dự toán, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính cho biết để phòng chống dịch COVID-19, ngân sách đã tăng chi cho các hoạt động y tế. Theo đó, cơ quan này đã trình Thủ tướng xem xét trích 2.700 tỉ đồng dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
Bộ Tài chính nhìn nhận ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, rượu, bia phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh vì gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, khách du lịch giảm mạnh…, đã tạo sức ép ngày càng lớn đến nguồn thu ngân sách, đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay.
Đánh giá về tình hình thu chi ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chuyên gia nhìn nhận dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quý tiếp theo. Hơn nữa, trong quý 2, thực hiện Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ có nhiều hộ kinh doanh không thuộc đối tượng được miễn thuế nên sẽ ngừng, nghỉ hoặc bỏ sản xuất kinh doanh. Do vậy, quý 2 và quý 3 sẽ là đỉnh điểm của khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Đây mới là lúc bắt đầu của khó khăn do dịch bệnh gây ra.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đánh giá tình hình thu ngân sách thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn vì doanh nghiệp đang "chật vật" nên nguồn thu từ các doanh nghiệp sẽ thấp. Đặc biệt, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng sẽ làm nguồn tiền về ngân sách chậm hơn.
Tuyết Nhung