Lọc hoá dầu Bình Sơn lỗ hơn 2.300 tỉ đồng vì giá dầu lao dốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:45, 21/04/2020
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm trước đó. Trong quý 1/2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt khoảng 3 triệu tấn cộng thêm khoảng hơn 1,63 triệu tấn nhập khẩu nên dư nguồn cung khoảng 35%.
Điều này đã gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu và có nguy cơ dừng nhà máy. Có những thời điểm, tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên mức 90%, buộc BSR phải gửi hàng tại các kho chứa nhằm duy trì nhà máy vận hành an toàn, liên tục.
Bên cạnh tác động của dịch bệnh COVID-19, các Nhà máy lọc dầu trên thế giới nói chung và BSR nói riêng còn chịu sự tác động của giá dầu lao dốc không phanh khi Nga và OPEC không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Dầu thô được mua từ trước với giá cao, sản phẩm chế biến ra không bán được do nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến tồn kho sản phẩm tăng nên khi giá dầu lao dốc.
Cụ thể, giá dầu Brent trong quý 1 lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày 3.1.2020 xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31.3.2020 đã gia tăng mạnh giảm giá hàng tồn kho. Điều này khiến BSR bị tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Ngoài ra, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều, thậm chí nhiều thời điểm giá các sản phẩm xăng dầu thấp hơn giá dầu thô nguyên liệu, đặc biệt giai đoạn từ nửa cuối tháng 2 vừa qua cho đến nay, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty càng giảm mạnh.
Trong quý 1, BSR đã sản xuất 1,7 triệu tấn, lỗ sau thuế 2.332 tỉ đồng. Mức lỗ này ghi nhận quý lỗ thứ 2 kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1.2018.
Trước tình hình trên, BSR kiến nghị tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 để hỗ trợ sản xuất trong nước và ổn định thị trường. Hỗ trợ các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế.
Bên cạnh đó, công ty cũng kiến nghị xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Miễn tiền thuế bảo vệ môi trường do đốt FO phục vụ quá trình vận hành sản xuất. Các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ cấp visa cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay (21.4), giá dầu thô lần đầu trong lịch sử xuống mức âm. Cụ thể trong phiên, dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn New York liên tục lao dốc và chinh phục những mốc chưa từng có trong lịch sử. Thấp nhất, có lúc giá giảm về âm 40,32 USD. Chốt phiên, mỗi thùng dầu loại này chỉ còn âm 37,63 USD, đánh dấu biên độ giảm tồi tệ nhất trong một phiên giao dịch của giá dầu.
Tuyết Nhung