Bộ Công Thương lên tiếng trước kiến nghị ngừng nhập khẩu xăng dầu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:48, 22/04/2020
Trước tình hình giá dầu thế giới giảm sâu, Tập đoàn Dầu khí xin ngừng nhập khẩu xăng dầu để cứu hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại cho rằng nên khẩn trương nhập khẩu xăng, dầu dự trữ.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương vừa lên tiếng cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết,...
Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.
Trong khi đó, cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu (ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...); khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...).
Trong một quan điểm ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng nên tích trữ dầu thô lúc giá đang chạm đáy để đảm bảo nguồn tài nguyên trong nước. Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - ông Trần Viết Ngãi cho biết vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và cơ quan quản lý kiến nghị khẩn trương nhập khẩu xăng, dầu dự trữ. Các doanh nghiệp kinh doanh cũng đang tính toán dồn lực mua xăng dầu tích trữ.
Theo ông Ngãi, Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu tinh về sản phẩm xăng dầu, việc giá dầu WTI lần đầu trong lịch sử giá xuống mức âm cho kỳ hạn giao tháng 5 là cơ hội lịch sử cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng để tích trữ khi giá dầu sẽ tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sản xuất được khôi phục.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa xăng dầu hiện có để tăng cường nhập khẩu xăng dầu (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu). Cùng với đó, có thể huy động toàn bộ các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp tư nhân nếu có các bồn chứa đủ tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy đảm bảo chứa xăng dầu theo tiêu chuẩn quy định… nên huy động tối đa để tích trữ một lượng xăng dầu lớn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu năm đến 15.4, Việt Nam nhập khẩu 3,8 triệu tấn dầu thô với kim ngạch hơn 1,66 tỉ USD. Con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 1,5 triệu tấn.
Mức giá nhập khẩu năm nay rẻ hơn so với năm trước. Cụ thể, năm 2020, trị giá bình quân gần 434,8 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 449,3 USD/tấn. Thị trường nhập khẩu dầu thô của Việt Nam chủ yếu là Cô-oét với sản lương hơn 2,7 triệu tấn, trị giá hơn 1,27 tỉ USD.
Tuyết Nhung