Giá xuống âm đồng, có nên mua dầu thô tích trữ?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:57, 22/04/2020
Vì sao giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng?
Trong phiên giao dịch ngày 20.4, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng, mức giao dịch âm lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng. Nhận định về giá dầu và cung cầu trên thị trường trong ngắn hạn và trung hạn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết ngày 21.4 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5.2020. Theo đó, người mua theo hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu hay không. Nếu nhận thì phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất.
Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh trên thế giới do dịch COVID-19 hiện nay, dầu thô vẫn được sản xuất trong khi các kho chứa đầy và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao. Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng này đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên. Thực chất, mức giá âm 37,63 USD/thùng là mức giá được giao dịch giữa các trader trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (nhà máy lọc dầu). Số lượng dầu giao dịch ở mức âm 37,63 USD/thùng này rất thấp, ghi nhận khối lượng khoảng 600.000 thùng.
Do vậy việc giảm giá dầu WTI mang tính cục bộ tại Mỹ do sức chứa và cung cầu có ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trên thị trường. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn. Theo dự báo của các nhà phân tích của Mỹ, giá dầu thô giảm chỉ trong ngắn hạn và sẽ đi lên trong tháng 6 hoặc tháng 7.2020.
Trong ngắn hạn, nhu cầu thế giới giảm mạnh gần 30 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó thỏa thuận OPEC+ chỉ cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 và có hiệu lực từ đầu tháng 5 nên dự báo trong tháng 4 giá dầu có thể giảm chút ít, tháng 5 sẽ dừng giảm với dao động biên độ nhỏ.
Về trung hạn, cầu tăng dần từ sau tháng 5 khi các nước trên thế giới gỡ dần phong tỏa, đặc biệt các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu kết hợp với cung giảm dần theo thỏa thuận OPEC+ và một số công ty khai thác Mỹ phá sản hoặc buộc phải giảm sản xuất vì giá bán thấp hơn chi phí khai thác sẽ làm cân bằng cung-cầu cải thiện và giá dầu sẽ tăng dần, dự kiến cuối năm 2020 khoảng 40 USD/thùng, cuối 2021 có thể đạt lại mức khoảng 60 USD/thùng.
Trong dài hạn, do giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài, các công ty dầu khí đều cắt giảm đầu tư thăm dò và phát triển mỏ, dẫn đến nguồn cung giảm. Tuy nhiên, cả về trung và dài hạn, việc hồi phục thị trường phụ thuộc nhiều vào kết quả khống chế dịch COVID-19, giá dầu sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt các nước G20 phục hồi.
Trước nhiều thông tin cho rằng Việt Nam nên mua dầu dự trữ khi giá dầu thô xuống thấp như hiện nay để tiết kiệm tài nguyên, PVN cho rằng trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý mang lại nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ.
Trong khi đó, hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn phục vụ cho sản xuất của nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn này.
Giá dầu cứ giảm 1 USD thì PVN mất 2.200 tỉ đồng/năm
PVN cho biết việc giá dầu giảm sâu từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động đến doanh thu của tập đoàn. Cụ thể, đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm khoảng 2.200 tỉ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55.000 tỉ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp. Có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu, nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Trước tình hình trên, PVN cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp như: đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay; tăng cường quản lý thu hồi công nợ; cơ cấu lại các khoản nợ; đàm phán điều chỉnh lãi vay... Với giải pháp về thị trường, tập đoàn sẽ bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời...
Bên cạnh đó, PVN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động, giãn khoản nợ vay tại các dự án và doanh nghiệp khó khăn. Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi tại Ocean Bank hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Tập đoàn yêu cầu xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm...
Tuyết Nhung