Tác động của giá dầu giảm sâu tới ngân sách Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:54, 23/04/2020
Trao đổi với báo chí về việc giá dầu lao dốc mạnh tác động đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam như thế nào?, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được xây dựng trên giá dầu dự báo là khoảng 60 USD/thùng. Do đó, mức giảm mạnh như hiện nay chắc chắn sẽ tác động làm giảm thu. Tuy nhiên, Việt Nam thường giao dịch với dầu Brent Biển Bắc hơn là dầu ngọt nhẹ (WTI) - loại đang giảm giá mạnh hơn trong vài ngày qua.
Theo ông Hưng, những năm gần đây, Việt Nam đã có sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu nên số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách. Vì vậy, tác động từ việc giảm giá dầu không quá lớn đến nguồn thu.
Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách, thì đến giai đoạn 2016-2018 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4%. Đến năm 2019, thu từ dầu thô ước chiếm 3,2% tổng thu ngân sách. Dự toán năm 2020, thu từ dầu thô là 35.200 tỉ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách, giảm 11.600 tỉ đồng so với ước thực hiện năm 2019 trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính khoảng 9,02 triệu tấn.
Ông Võ Thành Hưng cho biết, việc giá dầu giảm tuy tác động không lớn nhưng vẫn sẽ làm ảnh hưởng nguồn thu trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, do đó cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể. Giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu, cho nên đặt ra bài toán phải tính toán, cân đối lại ngân sách, vì liên quan đến khai thác kinh doanh dầu khí có rất nhiều dịch vụ ăn theo có thể cũng bị ảnh hưởng.
Với riêng ngành dầu khí, có thể có các hợp đồng khai thác đến 6, tháng 7 nên nếu biến động giảm giá ngắn hạn thì trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu giá giảm kéo dài có thể ảnh hưởng đến ngành dầu khí vì có những mỏ khi đó giá thành khai thác cao hơn cả giá bán, nhưng vẫn phải làm vì đã ký hợp đồng.
“Việt Nam là quốc gia vừa xuất và nhập khẩu dầu, nhưng lượng xuất thấp hơn lượng nhập, do đó giá dầu xuống thấp thì nền kinh tế được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất đỡ khó khăn sẽ giúp cho nguồn thu nội địa được cải thiện. Bộ Tài chính đang bám sát các diễn biến để tính toán các yếu tố tác động”, ông Võ Thành Hưng cho biết thêm.
Cũng theo ông Hưng, về định hướng thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu từ các nguồn thu khác, trong đó đẩy mạnh tăng thu từ nội địa trong tổng thu ngân sách. Nếu như giai đoạn 2011-2015, thu nội địa chiếm khoảng 68,7% tổng thu, thì giai đoạn 2016-2020 đã lên tới 81,5%, dự kiến năm 2020 là khoảng 84%.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xác định về lâu dài muốn có nguồn thu bền vững phải hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó có cơ sở để tăng thu ngân sách. Năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính.
Tuyết Nhung