Hà Nội sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cho cửa hàng không thiết yếu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:44, 27/04/2020
Sau ngày 22.4, kể từ khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, số lượng người dân đổ ra đường, tụ tập đông người đã gia tăng mạnh. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp không đeo khẩu trang, các nhà hàng, quán ăn sáng số lượng người đông, không đảm bảo giãn cách.
Đặc biệt, trước tình hình cả nước đã có nhiều ca tái dương tính sau khi được điều trị, Hà Nội cũng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lại cho những người bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh, ra viện và tiếp tục giám sát việc cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà/nơi cư trú.
Trước tình trạng trên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 27.4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý việc giảm giãn cách xã hội phải thực hiện từ từ. Các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để tất cả mọi người tiếp tục thực hiện nghiêm túc, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để người dân tiếp tục chống dịch.
Trong đó có 3 nội dung bắt buộc là: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội... các nội dung này sẽ không một sớm một chiều mà khả năng sẽ thực hiện trong thời gian dài.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, Thành phố đang xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng lo ngại nhất là giao thông trên địa bàn Hà Nội buổi sáng rất đông, khi đứng lại đèn xanh đèn đỏ mức độ không thể đảm bảo 1m mà chỉ có thể cách nhau 50-60cm, các xe máy chen chúc vào nhau.
Vì vậy, thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu để tránh tụ tập đông người cũng như tăng lưu lượng người trên đường phố.
“Các khung giờ hoạt động sẽ được quy định cụ thể và thành phố cũng đã nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo phòng dịch vừa không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Ví dụ như các cửa hàng mỹ phẩm nếu mở cửa từ 9 giờ sáng và không giới hạn thời gian đóng cửa sẽ không bị ảnh hưởng…”, Chủ tịch UBND TP phân tích.
Theo Chủ tịch Hà Nội, nếu quy định này được đưa ra thì sẽ giảm được mật độ của người tham gia giao thông từ 6 giờ đến 8 giờ 15, 8 giờ 30, với khoảng 600.000 - 800.000 người lúc cao điểm.
"Nếu thành phố ban hành điều này, chúng ta sẽ thực hiện cho đến ngày 31.12.2020, sau đó tổng kết lại, nếu như nó phục vụ tốt cho công tác giãn cách xã hội, giảm ùn tắc giao thông thì sẽ thực hiện tiếp", ông Chung nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, thành phố đang rà soát xem khung giờ này các cửa hàng này bán hàng ra sao, có thể nói doanh thu rất thấp trong các khung giờ này nên không khuyến khích mở cửa. Ông Chung nhấn mạnh, điều này thành phố đang dự thảo và đang lấy ý kiến.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại Việt Nam, đến ngày 27.4 ghi nhận 270 ca mắc, trong đó 225 trường hợp được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Riêng Hà Nội có tổng cộng 112 ca mắc (85 trường hợp được công bố khỏi bệnh). Tính đến nay, Hà Nội đã có ngày thứ 12 không xuất hiện ca mắc mới.
Tuy nhiên, Sở Y tế nhận định, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác tới đây có các chuyến bay đưa người Việt Nam trở về nước, do vậy không thể chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch với 2 nhiệm vụ: phát hiện kịp thời ca bệnh xâm nhập để cách ly, điều trị và kiểm soát không để phát sinh ca nhiễm mới tại cộng đồng.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân không tụ tập đông người ở nơi công cộng để phòng, chống dịch...
Tuyết Nhung