Gói hỗ trợ chưa đến tay doanh nghiệp
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:27, 30/04/2020
Đại diện các Hiệp hội cho biết, sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước lúc này chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm chi phí, đồng thời thông qua doanh nghiệp hỗ trợ người lao động để có thể duy trì đội ngũ công nhân, đẩy mạnh sản xuất ngay sau dịch.
Tuy nhiên, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy một số gói hỗ trợ thời gian qua đã được triển khai, nhưng còn chưa phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Hoặc việc triển khai một số chính sách còn chậm, hầu hết các gói hỗ trợ này chưa đến tay doanh nghiệp.
Hiệp hội Dệt may cho biết, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau từ các nước trên thế giới, ngành dệt may Việt Nam sẽ có 1 năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỉ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỉ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỉ USD.
Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp.
Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải "gồng mình" để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy, doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của nhà nước.
Đại diện Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho biết, theo khảo sát từ các doanh nghiệp thành viên, hiện tại chỉ có rất ít doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 đến 1,5%. Và đa phần các doanh nghiệp ít vay mới vì còn đang tồn đọng các đơn hàng cũ.
Trong khi đó, với chính sách giãn nợ thuế, hiện các doanh nghiệp đều đã báo cáo thuế và nộp xong thuế của năm 2019, trong khi đó chính sách chỉ áp dụng cho năm 2020 (hiện chưa tới kỳ báo cáo thuế), nên hầu như doanh nghiệp không được thụ hưởng chính sách này.
Về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam cũng thẳng thắn cho biết hầu hết các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc làm. “Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên ở thời điểm khó khăn hiện nay, ngân hàng khẳng định, việc cho vay có quá nhiều rủi ro”, đại diện Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ, để khắc phục những khó khăn chung mà các doanh nghiệp các ngành khác cũng gặp phải do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho...
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với doanh nghiệp, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Qua đó, doanh nghiệp trong ngành cũng đề nghị áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không cần có điều kiện kèm theo...
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 28.4 bàn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ ăn uống, hàng không, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống dịch, bởi “lúc này chưa phải là lúc xả hơi hoàn toàn”. Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý sớm đưa tiền hỗ trợ đến người dân kịp thời.
Tuyết Nhung