Hoạt động bị 'đóng băng', doanh nghiệp lữ hành báo lỗ nặng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:36, 04/05/2020
Một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành du lịch trong nước là Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) vừa cho biết lỗ nặng trong quý đầu năm.
Cụ thể, công ty lữ hành này thu về gần 790 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay, con số này chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm mạnh, chi phí vận hành tăng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietravel không mấy khả quan khi âm tới 41 tỉ đồng, cùng kỳ năm ngoái đạt 6 tỉ đồng. Đáng chú ý, con số thua lỗ trong quý 1 năm nay của hãng lữ hành này tương đương với mức lợi nhuận kinh doanh của cả năm 2019.
Cùng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Du lịch Bến Thành cũng vừa thông báo tình hình kinh doanh quý 1 với mức lỗ nặng nề. Đơn vị này cho biết doanh thu quý vừa qua sụt giảm mạnh còn 96 tỉ đồng, trong khi đó các khoản chi phí vận hành doanh nghiệp vẫn tăng đều khiến cho lợi nhuận trước thuế âm tới 7,6 tỉ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lãi 2,6 tỉ đồng.
Một cuộc khảo sát với 394 doanh nghiệp lữ hành từ ngày 13 - 17.4 của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho thấy 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu trong quý 1/2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với cùng quý năm ngoái. Ngoài ra, gần 50% doanh nghiệp du lịch, lữ hành tham gia khảo sát cho biết họ không có doanh thu, tức không kiếm được đồng nào, trong quý 2/2020.
65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, trong đó gần 20% số doanh nghiệp phải cắt giảm toàn bộ nhân viên. Cùng với đó, 78% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chọn cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót sau đại dịch. Thậm chí, gần 9% doanh nghiệp tham gia khảo sát chọn phương án đóng cửa kinh doanh.
Trong tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM cho biết tính đến hết quý 1/2020, trong tổng số hơn 28.000 nhân viên làm việc trong các cơ sở lưu trú, hơn 20.000 người phải nghỉ việc hẳn hoặc tạm thời ngừng việc. Tại một số công ty, lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ 2019. Đáng nói, 90% doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa đã tạm ngưng hoạt động, doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty còn doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.
Chia sẻ với báo giới, lãnh đạo một hãng lữ hành từng nói: "Dịch bệnh kéo dài có thể làm cho du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, vượt quá mức chịu đựng và sẽ dẫn đến nhiều công ty, khách sạn bị phá sản, kéo theo hàng trăm nghìn, hàng triệu lao động trong ngành du lịch bị thất nghiệp phải chuyển đổi nghề. Đặc biệt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt những năm qua và đang tiến gần tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước".
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã suy giảm mạnh trong tháng 2, giảm 22% và tháng 3 giảm 68% do dịch COVID-19. Dự báo, số lượng du khách sẽ xuống đáy từ tháng 4 này do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên thế giới.
Tổng cục Du lịch cho biết nếu dịch kết thúc cuối tháng 6, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6. Trong khoảng thời gian đó, gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.
Còn nếu dịch kết thúc cuối tháng 9, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, giảm khoảng 80% so với năm 2019.
Tuyết Nhung