Sản xuất trong nước chỉ dừng lại ở săm, lốp, kính... giá ô tô vẫn cao
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:32, 08/05/2020
Phân khúc sản xuất thấp, giá thành ô tô cao
Nói về vấn đề quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 trong báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết số lượng xe nhập khẩu ngày càng tăng nên lợi thế sản xuất cũng như lắp ráp xe trong nước đang mất dần.
Bộ Công Thương đánh giá có không ít tồn tại, hạn chế trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo đó, đến nay ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Cụ thể, tỉ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Đối với các sản phẩm đã được nội địa hóa còn mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…
Vì vậy, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Trong khi đó, giá bán xe ô tô vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Người Việt đang phải chi những khoản tiền cao hơn đáng kể so với người Mỹ, Nhật Bản hay các quốc gia châu Âu để có thể sở hữu một chiếc xe ô tô. Đơn cử như một chiếc Toyota Camry, Việt Nam có giá cao hàng đầu khu vực với 1,3 tỉ đồng ở phiên bản cao cấp nhất, cao hơn các nước còn lại khoảng từ hơn 200 đến gần 300 triệu đồng. Hay với chiếc Toyota Fortuner, giá tại Việt Nam cũng cao hơn các nước trong khu vực khoảng 300 triệu đồng...
Theo cơ quan này, nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước còn nghèo nàn là do Việt Nam có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp của Việt Nam đi sau các nước trong khu vực từ 2 - 3 thế hệ.
Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho ngành ô tô phát triển; dung lượng thị trường đối với ngành ô tô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho ngành công nghiệp ô tô…
Bộ ngành "loay hoay" tìm hướng đi
Để phát triển ngành ô tô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hoá, hạ giá thành ô tô, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, trong đó giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất được trong nước. Điều này sẽ khắc phục bất lợi về giá giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu cũng như khuyến khích tăng tỷ lệ giá trị nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô.
Bộ Công Thương trước đó cũng đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước cũng như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm này đến hết năm 2020 để kích cầu thị trường trong bối cảnh ế ẩm do COVID-19.
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản đối từ Bộ Tài chính. Bộ Tài chính lý giải việc giảm 50% lệ phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.
Quy định về kệ phí trước bạ với ô tô đang dao động theo khung 10-15% tùy địa phương. Ở Hà Nội, mức phí này đang là 12% do đó nếu người dân muốn mua xe 1 tỉ đồng thì phải bỏ 120 triệu đồng cho khoản phí trước bạ này. Nếu giảm 50%, người mua xe sẽ tiết kiệm được 60 triệu đồng.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết 4 tháng qua lượng tiêu thụ xe đã giảm 40% và sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước giảm gần 24% so với cùng kỳ 2019. VAMA dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của ngành ô tô trong nước có thể giảm hơn 15% so với tính toán ban đầu.
Trong khi đó, lượng xe ô tô nhập khẩu từ các nước về Việt Nam liên tục tăng thời gian qua. Trong 4 tháng đầu năm 2020, ước tính ô tô nhập khẩu đạt 33.000 chiếc với trị giá là 710 triệu USD. Giá nhập xe bình quân trong tháng 4 vừa qua là hơn 580 triệu đồng/chiếc.
Tuyết Nhung