Việt Nam nhập khẩu đàn lợn giống đầu tiên của Thái Lan
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:27, 13/05/2020
Sáng 13.5, hơn 200 con lợi giống bố mẹ nhập khẩu từ Thái Lan đã được đưa về xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đây là đàn lợn giống bố mẹ đầu tiên trong lô hàng 20.000 con do Công ty TNHH dinh dưỡng Việt Đức nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam trong năm nay. Trong số 20.000 con nhập về sẽ có 10.000 con phục vụ hoạt động sản xuất, số còn lại cấp ra cho các trang trại khác trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị ra Bắc.
Được biết, Việt Nam chưa từng có tiền lệ nhập khẩu lợn giống bố mẹ. Khi đàn lợn giống nhập khẩu này cho sản phẩm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12.2020, nhiều khả năng giá lợn giống sẽ giảm từ 3 triệu đồng xuống 2 triệu đồng/con; góp phần giảm giá thành sản xuất lợn thịt khoảng 10.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ chủ động được lợn giống cho sản xuất và nhu cầu thịt lợn cơ bản được đáp ứng. Hiện nhiều địa phương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ đàn lợn nái và lợn đực.
Theo tính toán của cơ quan này, nhu cầu giống năm 2020 trên cả nước cần khoảng 18.000 con. Để đáp ứng được số lợn giống trên, 110.000 con lợn cụ kỵ, ông bà hiện có sẽ được nhân đàn tại chỗ và tăng tỷ lệ chọn lọc.
"Việc nhập giống về trước hết đáp ứng cung cầu về giống và bình ổn giá thịt lợn. Khi đàn nái bố mẹ được nhập về sản xuất ra con giống sẽ đáp ứng từng bước nhu cầu giống đang thiếu hụt hiện nay, qua đó giảm giá bán lợn giống cũng như đáp ứng nhu cầu con giống cho các gia trại, trang trại hiện nay của doanh nghiệp và các địa phương để tăng quy mô đàn lợn giống và lợn thịt, từng bước đáp ứng nhu cầu thịt lợn vào quý 3 và quý 4 trong năm nay", ông Tiến cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng việc nhập khẩu lợn giống trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, không chỉ giúp doanh nghiệp có con giống để tái đàn mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm sao giảm được nhanh nhất giá thịt lợn hơi trên thị trường, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và chỉ số giá tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các địa phương tạo điều kiện về quỹ đất để chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ cách xa khu dân cư. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại hỗ trợ về lãi suất để người chăn nuôi tổ chức tăng đàn, tái đàn trong thời gian ngắn nhất; đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá thịt lợn cũng như tăng nguồn cung thịt lợn trong nước.
Tuyết Nhung