Cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng biểu giá bán lẻ điện mới

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:38, 15/05/2020

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết phương án thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được trình Thủ tướng cuối năm 2020 và áp dụng ngay khi phê duyệt.
Ngày 20.3.2019, giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 8,36% - Ảnh: Internet

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 15.5 về việc khi nào sửa giá bán lẻ điện tiếp theo, ông Trần Tuệ Quang - Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết vào tháng 6.2018, cơ quan này đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề xuất sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sau thời gian dài áp dụng, bộc lộ những bất cập.

Sau đó, các kịch bản thay đổi cơ cấu biểu giá được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến trong năm 2019 và đầu 2020 theo hướng rút gọn về 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện nay. Nhưng do dịch bệnh nên việc trình phương án lên cấp có thẩm quyền được hoãn lại.

"Do các yêu cầu cũng như tình hình tiêu thụ điện hiện nay, dự kiến cuối năm nay Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng về đề xuất sửa đổi giá bán lẻ điện mới. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biểu giá điện mới", ông Quang nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm thời gian qua là khoản tiền EVN giảm giá tiền điện cho người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có được tập đoàn này treo lỗ để gây áp lực tăng giá điện năm 2021. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực vẫn chưa làm rõ về khả năng có thể lỗ treo hay không cũng như khả năng tăng giá điện năm 2021 sau đợt giảm giá gần 11.000 tỉ đồng.

Lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất là ngày 20.3.2019, giá điện đã được điều chỉnh tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng VAT). Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết việc tăng giá bán lẻ điện dựa trên tính toán các yếu tố đầu vào gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành...

Đại diện EVN cho biết do tỉ giá thay đổi, các khoản vay của EVN để thực hiện các dự án tăng và chi phí các nhà đầu tư bên ngoài EVN cũng tăng. Năm 2018, nhờ tiết kiệm chi phí nên EVN đã xử lý 4.500 tỉ đồng, phải thanh toán cho nhà đầu tư bên ngoài là 3.800 tỉ đồng. Do đó, EVN vẫn còn "treo" 3.000 tỉ đồng năm 2018 chưa phân bổ vào lần tăng giá điện này.

Việc tăng giá điện lần này được cho là sẽ giúp EVN tăng thu thêm 20.000 tỉ đồng/năm tài chính. Tuy nhiên, với người dân, mỗi hộ gia đình hàng tháng sẽ phải trả thêm thấp nhất từ 7.000 đồng đến hơn 70.000 đồng cho toàn số điện đã sử dụng.

Tuyết Nhung