Việt Nam tăng bán nông sản cho Trung Quốc mùa dịch
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:04, 18/05/2020
Tổng cục Hải quan cho biết trong 4 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó, có mức tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm như nhóm hàng điện thoại và linh kiện, dệt may...
Điển hình là điện thoại các loại và linh kiện. Dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,38 tỉ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 3,32 tỉ USD, giảm 24,1%; Mỹ đạt 2,99 tỉ USD, giảm 9,7%; Hàn Quốc đạt 1,59 tỉ USD, giảm 4,5%... Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc lại có sự tăng trưởng ấn tượng tới 4,3 lần so với cùng kỳ 2019, đạt kim ngạch 2,73 tỉ USD.
Một nhóm hàng chủ lực khác cũng chịu cảnh tăng trưởng âm là dệt may. Trong 4 tháng đầu năm, nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 cả nước chỉ đạt 8,65 tỉ USD, giảm tới 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 3,95 tỉ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Mặt hàng nông sản bao gồm: rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo và sản phẩm sắn, cao su... cũng nằm trong nhóm hàng suy giảm với kim ngạch đạt 5,37 tỉ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 với trị giá 1,6 tỉ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù nhiều mặt hàng xuất khẩu suy giảm, song tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 4 tháng qua vẫn đạt 80,86 tỉ USD, tăng 2%, tương ứng tăng 1,62 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều nhập khẩu thì lại giảm nhẹ, 4 tháng đầu năm tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 78,08 tỉ USD, giảm nhẹ 0,3%. Trong đó nhập khẩu nhiều mặt hàng suy giảm mạnh như: xăng dầu, 4 tháng đầu năm tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 2,4 triệu tấn, giảm 22,7%, trị giá là 1,12 tỉ USD, giảm tới 41,7% (tương đương 800 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ô tô nguyên chiếc các loại cũng là nhóm hàng giảm mạnh khi sản lượng chỉ đạt 31.586 chiếc, giảm 36,2%, kim ngạch đạt 689,3 triệu USD, giảm 430 triệu USD (tương đương giảm 38,4%). Ngoài ra, sắt thép các loại giảm 405 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 290 triệu USD…
Trong bối cảnh sụt giảm chung, nhiều nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Nhóm hàng duy nhất có kim ngạch tăng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây cũng là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 17,6 tỉ USD, tăng 11,5% (tương ứng tăng 1,81 tỉ USD) so với cùng kỳ 2019. Ngoài ra, một số mặt hàng nhập khẩu có sự tăng trưởng đáng chú ý khác như: Dầu thô tăng 440 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 256 triệu USD...
Tuyết Nhung