Bộ Công Thương muốn tư nhân tham gia, chấp nhận xóa thế độc quyền ngành điện

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:53, 22/05/2020

Bộ Công Thương khẳng định trong bối cảnh hiện nay để tư nhân đầu tư vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - Ảnh: TN

Xóa bỏ cơ chế để tư nhân tham gia

Trao đổi với báo chí ngày 22.5 về việc các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong việc đầu tư vào ngành năng lượng, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng việc tham gia đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng còn hạn chế là do công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm.

Hơn nữa, tín hiệu về giá năng lượng theo thị trường vẫn còn chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng nếu không có bảo lãnh Chính phủ. Giá khâu phát điện, mua buôn điện được xác định theo cơ chế thị trường, tuy nhiên tỷ lệ tham gia thị trường theo cơ chế cạnh tranh cần được nâng cao.

Các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về năng lượng, đầu tư chưa được hoàn thiện, đồng bộ, vẫn còn rào cản hạn chế đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. Theo ông Dũng, còn nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật về đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải điện.

Trước thực trạng ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng hiện nay, ông Dũng cho biết Bộ Công Thương đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng hiện nay là mũi nhọn hết sức quan trọng, đặc biệt là đầu tư theo các cơ chế khuyến khích đã được Chính phủ ban hành.

"Sự phát triển mạnh mẽ của khối đầu tư tư nhân trong các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời góp phần tích cực giải quyết một phần nhu cầu nguồn điện cho việc tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Qua đó cho thấy các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến nay hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công bước đầu", ông Dũng cho hay.

Trước đó, Báo cáo của Nhóm Ngân hàng Thế giới về “Tối đa hóa tài chính cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” đã thẳng thắn chỉ ra sự thiếu bền vững của mô hình tài chính truyền thống khi chủ yếu dựa vào đầu tư công thông qua các doanh nghiệp nhà nước.

Theo nghiên cứu, từ nay đến năm 2030, mỗi năm trung bình ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 10 tỉ USD. Trong khi đó, phát triển ngành khí dự kiến cần khối lượng đầu tư lũy kế khoảng 20 tỉ USD trong giai đoạn từ 2015 đến 2035.

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mới cơ sở hạ tầng, phần lớn đầu tư mới vào ngành điện và ngành khí sẽ phải đến từ khu vực tư nhân. Hướng đi này là phù hợp với chiến lược và mục tiêu tài chính cho phát triển năng lượng của Chính phủ trong tương lai.

Để gỡ bỏ những nút thắt và huy động tối đa tài chính cho đầu tư vào ngành điện và khí tại Việt Nam, báo cáo đề xuất nên xây dựng một chương trình PPP/IPP để phát triển các nguồn phát điện mới, là một phần trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Có cạnh tranh, giá điện sẽ giảm

Sau nhiều năm mặc định độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đã chính thức được tham gia mọi lĩnh vực của ngành điện theo Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 mà Bộ Chính trị mới ban hành. Tuy nhiên, định hướng để thu hút tư nhân tham gia vào ngành điện vẫn được xem là thách thức hiện nay. Vì vậy, quan trọng nhất là phải có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng cho biết về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, phía Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cơ chế đấu thầu nhằm xóa bỏ rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với hoạt động đầu tư tư nhân đối với lĩnh vực lưới điện truyền tải, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói thời gian vừa qua, thông qua các chính sách phát triển nguồn năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư tư nhân đã tham gia tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Do đó, nhu cầu đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nhằm đáp ứng với phát triển các nguồn điện cũng tăng cao. Theo đó, một số nhà đầu tư tư nhân, UBND các tỉnh đã có những đề xuất với Chính phủ xem xét thực hiện cơ chế xã hội hóa đối với hoạt động đầu tư lưới điện truyền tải.

"Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành Luật PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật PPP. Việc rà soát, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) các quy định liên quan đến độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải tại Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn dưới Luật cần được thực hiện rà soát tổng thể", ông Dũng nhấn mạnh.

Khi tư nhân tham gia, liệu giá điện có giảm hay không cũng là điều mà dư luận quan tâm. Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ cần cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 55 bằng những chính sách, cơ chế cụ thể để nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt, từ đó giúp tư nhân tiếp cận sâu rộng hơn vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt với các nguồn năng lượng nhiều tiềm năng như điện mặt trời, điện gió.

"Khi doanh nghiệp tư nhân có cơ chế tham gia mạnh mẽ thì doanh nghiệp nhà nước sẽ phải cải thiện chất lượng dịch vụ, người dân có thêm quyền lựa chọn. Đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển sẽ đảm bảo tăng nguồn cung điện phát triển bền vững, qua đó có thể góp phần giảm giá điện", TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận.

Tuyết Nhung