Nhiều cây xăng đồng loạt 'hết hàng' trước ngày giá xăng tăng mạnh, Bộ Công Thương vào cuộc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:19, 27/05/2020
Cây xăng thông báo "hết hàng"
Theo dự báo của Một Thế Giới, trong kỳ điều chỉnh ngày mai (28.5) giá xăng dầu trong nước sẽ đồng loạt tăng mạnh khoảng từ 1.000 - 1.500 đồng/lít sau chuỗi ngày giảm liên tiếp từ đầu năm. Trước tình hình giá xăng dầu đang có xu hướng tăng mạnh thì trong hai ngày qua, nhiều cây xăng trên cả nước đồng loạt treo biển "hết xăng" khiến người tiêu dùng lo lắng.
Cụ thể tại Bắc Giang, Công ty TNHH Phương Thanh không bán xăng vì hết xăng chưa lấy được hàng, hay Doanh nghiệp Danh Thắng dừng bán xăng do hết xăng. Ngoài ra, còn nhiều cửa hàng khác hết xăng do mất điện, làm việc cá nhân...
Tại Gia Lai, nhiều cửa hàng cũng thông báo hết xăng do nghỉ bán, đi chợ... Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết nhiều cây xăng đóng cửa cây xăng vì không mua được xăng.
Lực lượng quản lý thị trường cho biết tại Hải Dương chưa có hiên tượng dừng bán hàng, tuy nhiên có phản ánh về nguồn cung ứng xăng dầu nhỏ giọt, khó lấy hàng, lượng cung giảm. Tại Gia Lai có 2 cửa hàng tại huyện ĐakĐoa đóng cửa chưa rõ lý do (hiện đang phối hợp Chính quyền địa phương làm rõ).
Tại ĐakLak có 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa không bán hàng tại Huyện Kroong Năng là Doanh nghiệp Thắng Thành, doanh nghiệp Quý Điều và Doanh nghiệp Trường Yến. Hiện lực lượng Quản lý thị trường đang phối hợp cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ theo quy định pháp luật.
Về phía các đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết từ giữa tháng 5 đã diễn ra tình hình khó nhập xăng dầu. Các doanh nghiệp nhận được thông báo sẽ giới hạn lượng cung cấp hàng trong ngày. Chưa kể, mức chiết khấu (hoa hồng) trên mỗi lít xăng bị hạ xuống bằng 0. Càng kinh doanh càng lỗ nên một số cửa hàng đã tạm thời ngừng bán. Theo các đại lý, hiện các doanh nghiệp đầu mối đang găm hàng trong bối cảnh giá xăng có xu hướng đi lên.
Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề khan hiếm xăng dầu những ngày qua, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình dịch bệnh có chiều hướng suy giảm khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Tuy nhiên, tổng nguồn cung toàn thị trường không hề thiếu. Bộ Công Thương sẽ can thiệp để không xảy ra tình trạng không có hàng để bán.
Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng
Trước tình hình trên, chiều 27.5 Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tìm kiếm, có phương án bảo đảm nguồn hàng từ nguồn trong nước và nhập khẩu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh;
Phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường rà soát việc các điều kiện về kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Tổng cục Quản lý thị trường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Cụ thể là kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng, giá bán xăng dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu). Bên cạnh đó là kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu như: các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối...
Đặc biệt xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng dầu...
Cục Xuất nhập khẩu rà soát các thị trường nhập khẩu xăng dầu để có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận nguồn hàng xăng dầu chất lượng tốt, giá hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước
Giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc hạn mức nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được Bộ Công Thương giao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất kinh doanh của cả nước; rà soát và điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu, tiến độ nhập khẩu của các doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu và diễn biến thị trường hiện nay.
Trong khi đó, Sở Công Thương các tỉnh thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt là hoạt động bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, thông tin nhanh đối với các vấn đề phát sinh về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bán hàng theo quy định.
Tuyết Nhung