Coteccons và chuyện lùm xùm với nhà đầu tư ngoại
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:49, 12/06/2020
Coteccons - mã chứng khoán CTD, được ví như cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng. Là một doanh nghiệp niêm yết, CTD hiện có sự tham gia của khá nhiều quỹ lớn, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường…
Theo VTV, ông lớn xây dựng đã không tự xây dựng được một "mái nhà" êm ấm. Lùm xùm giữa cổ đông ngoại với HĐQT và Ban Lãnh đạo CTD là vấn đề đã diễn ra vài năm nay. Và có vẻ như, thời gian đã làm những mâu thuẫn thêm trầm trọng, đặc biệt với cổ đông lớn Kusto - công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore. Sự bất đồng, mà theo giới đầu tư chuyên nghiệp, chính là mối quan hệ lose - lose (cả 2 bên đều thiệt hại).
Cũng xin nói thêm, Kusto không phải là cổ đông nước ngoài duy nhất có ý kiến về hoạt động và vai trò lãnh đạo tại CTD. Vừa mới đây, quỹ đầu tư The8th Pte. Ltd, cổ đông nắm 10,42% cổ phần CTD trong hơn 6 tháng cũng đề nghị đưa nội dung bãi miễn tư cách Chủ tịch HĐQT và TGĐ hiện tại thành một mục riêng trong kỳ họp đại hội cổ đông sắp tới…Trước đó, một quỹ ngoại khác là Red River cũng đã bày tỏ không hài lòng về cách điều hành CTD.
Từng CTD được xem là doanh nghiệp đầu đàn của ngành xây dựng, với tình hình tài chính lành mạnh. Thế nhưng, sau giai đoạn thăng hoa, thì tình hình kinh doanh bắt đầu đi xuống từ năm 2018, cùng với sự gia tăng mâu thuẫn cổ đông…
Cụ thể 2 năm liên tiếp, kết quả kinh doanh Coteccons đi xuống. Thị giá cổ phiếu cũng chỉ còn 30% so với mức đỉnh.
Cũng theo VTV, mâu thuẫn gia tăng, ban điều hành và Chủ tịch Coteccons tuyên bố Kusto làm trái cam kết ban đầu khi phản đối phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons.
"Kusto đã và đang đi ngược những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons,… nhiều lần phủ quyết những nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua trước đó, như chính sách ESOP cho CBNV năm 2017, 2019 cũng như kế hoạch sát nhập công ty Ricons", thông cáo báo chí (TCBC) trên trang web của Coteccons do TGĐ ký
Tuy nhiên, phía cổ đông lớn cho rằng, họ làm vậy để bảo vệ quyền lợi cổ đông
"Khi chúng tôi đầu tư vào Coteccons năm 2012, chúng tôi đã thống nhất với phía Lãnh đạo Coteccons sẽ hoàn thành việc sáp nhập các công ty con trong vòng 1 năm. Thế nhưng chỉ có Unicons sáp nhập thành công. Và sau 8 năm, chúng tôi nhận thấy có sự chuyển dịch nhân sự, chuyển dịch doanh thu và lợi nhuận qua Ricons. Và khi Ricon đã tăng mạnh về quy mô thì họ lại đòi sáp nhập. Điều này không có lợi cho các cổ đông không sở hữu cổ phần...", ông Bolat Duisenov, đại diện Kusto Việt Nam nói.
Theo VTV dẫn lời các luật sư, việc sử dụng quyền phủ quyết này là hoàn toàn đúng luật.
"Pháp luật đưa cho họ cái quyền yêu cầu triệu tập họp, đấy là những Luật định và khi người ta dùng cái quyền Luật định của mình để xử lý đấu tranh trong tranh chấp nội bộ, cái đấy nên coi là vấn đề bình thường", luật sư Trần Minh Hải - Công ty Luật Basico cho biết.
Kusto hiện đang là cổ đông lớn nhất tại Coteccons, nắm 18,32%. Còn nhóm cổ đông liên quan tới ban điều hành phía Việt Nam chỉ nắm gần 7%.
Trong động thái mới nhất, TCBC do TGĐ ký đặt vấn đề về khả năng Kusto cùng các cổ đông khác cấu kết với nhau tìm mọi cách bãi miễn những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm công ty.
Trong khi phía Kusto lại cho rằng, một số thành viên Ban điều hành và hội đồng quản trị đang gây thiệt hại cho Coteccons khi chính họ và những người liên quan đang sở hữu và điều hành nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
"Thương hiệu Coteccons là một biểu tượng của Việt Nam và sẽ luôn là thương hiệu Việt dù cổ đông nội hay ngoại. Chúng tôi mua cổ phần Coteccons và giá trị đầu tư phụ thuộc giá trị doanh nghiệp. Do vậy, làm sao chúng tôi có thể và dám làm mất thương hiệu? Ngược lại chính các hoạt động quản trị, điều hành không tuân thủ thông lệ tốt nhất, mâu thuẫn quyền lợi mới có thể làm sụp đổ một thương hiệu", ông Bolat Duisenov, đại diện Kusto Việt Nam cho biết.
Hậu quả của sự chia rẽ, theo giới đầu tư, là khá rõ. Kết quả kinh doanh đi xuống, tất cả cổ đông đều thiệt hại. Chưa kể mất mát những tài sản vô hình, như uy tín, thương hiệu,…
Và đại hội cổ đông sắp tới của Coteccons, kỳ vọng sẽ là cơ hội đưa con thuyền Coteccons trở lại đường đua…
Quan điểm của Kusto
Theo Kusto, một số thành viên của HĐQT và BGĐ của CTD hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại CTCP Đầu tư xây dựng Ricons, bao gồm cả vị trí Chủ tịch HĐQT và đại diện theo pháp luật. Chính họ và những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons, trong khi đồng thời là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại CTD.
Đây là lý do Kusto không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và BGĐ hiện tại, đặc biệt các thành viên điều hành chủ chốt, gồm ông Nguyễn Bá Dương; ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc; ông Trần Quang Quân, phó tổng giám đốc.
Trên thực tế, trước khi Kusto công bố quyết định “đảo chính”, giới đầu tư đã đặt nhiều nghi vấn cho rằng Ricons là “sân sau” của một số thành viên HĐQT của CTD. Tiền thân của Ricons là Công ty Phú Hưng Gia (thành lập năm 2004). Giai đoạn 2010-2014, Ricons tiến hành tái cấu trúc cơ cấu lãnh đạo với sự xuất hiện của hàng loạt nhân lực chủ chốt từ CTD.
Đơn cử, ông Dương, ông Công và ông Quân là 3/5 thành viên HĐQT của Ricons. Trong đó, ông Quân hiện là Chủ tịch HĐQT và bà Hà Tiểu Anh, Kế toán trưởng của CTD, kiêm nhiệm chức Trưởng BKS của Ricons. Với sự hậu thuận này, Ricons đã có bước phát triển cực kỳ ấn tượng.
Cụ thể, năm đầu tiên sau tái cấu trúc, Ricons ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 78% (đạt 2.825 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng 97% (đạt 81 tỷ đồng). Theo thống kê, Ricons duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân giai đoạn 2014-2018 lên đến 50% và 76%. Đặc biệt, nếu so sánh với lợi nhuận sau thuế của CTD tăng chưa đến 5 lần trong 5 năm qua, lãi ròng của Ricons thậm chí tăng hơn 10 lần cho cùng giai đoạn.
Trong quý I vừa qua, nếu lợi nhuận của CTD đạt mức thấp nhất trong 5 năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 427 tỷ đồng, Ricons vẫn ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu lên đến 21%, bất chấp những khó khăn chung của ngành xây dựng.
Phản ứng của CTD
Ngay sau khi thông tin Kusto đơn phương lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 13.7 tới, HĐQT của CTD đã có những phản ứng khá gay gắt. Theo ông Công, trong bối cảnh CTD đã được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức ĐHCĐ thường niên vào cuối tháng 6, những cáo buộc vô căn cứ của Kusto đã gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiệm trọng đến giá CP cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhóm Kusto (hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn) đã từng gửi yêu cầu tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 15-10-2019 nhằm bãi miễn tư cách thành viên HĐQT. Tuy nhiên, HĐQT đã họp và bác bỏ yêu cầu vô lý trên, cũng như có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này về những lập luận vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý.
Văn bản giải trình của CTD cho biết doanh nghiệp được kiểm toán bởi những công ty lớn nằm trong nhóm Big 4. Đây là các công ty kiểm toán nước ngoài chuyên nghiệp.
Ngoài ra, HĐQT của CTD được vận hành minh bạch, đảm bảo luôn giám sát chặt chẽ. Trong cơ cấu 7 thành viên HĐQT, có 3 thành viên độc lập là những người có uy tín trong xã hội.
Đơn cử, ông Nguyễn Quốc Hiệp. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. CTD có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, một số dự án có giá trị lên đến 7.000 tỷ đồng, có hệ thống hàng ngàn nhà thầu phụ/nhà cung cấp, trong đó có Ricons.
Về Ricons, CTD nhận thấy đây là doanh nghiệp tiềm năng, có phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng. Đây cũng là lý do CTD muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần, nhưng nhóm Kusto đã nhiều lần lợi dụng ưu thế cổ đông lớn để phủ quyết.
Theo CTD, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Công tại Ricons ít hơn nhiều so với tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông tại CTD. Riêng ông Dương không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại Ricons nào. Vì vậy, việc Kusto cho rằng Ban lãnh đạo CTD tập trung nguồn lực cho Ricons là không có căn cứ.
Theo SGGP
T.H