Với EVFTA cá ngừ đóng hộp xuất sang châu Âu sẽ xuôi chèo mát mái hơn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:13, 21/06/2020
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8.6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8 tới. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang rất trông chờ điều này, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cá ngừ đóng hộp, dòng sản phẩm mà Việt Nam đang không thể cạnh tranh được với sản phẩm của Philippines hay Ecuador do thuế cao trên thị trường EU.
Tại thị trường EU, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam chủ yếu đang cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ Ecuador, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Việt Nam đang được cho là khó cạnh tranh được với các nước do sản lượng đánh bắt, quy mô và năng lực sản xuất cá ngừ yếu hơn các nước.
Không những vậy, Việt Nam cũng khó cạnh tranh được với Philippines và Ecuador do họ được hưởng ưu đãi về thuế quan, trong khi Việt Nam không được hưởng ưu đãi. Vì thủy sản Việt Nam được xem là đạt ngưỡng “trưởng thành” theo quy định của Hệ thống Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP), tức là nhóm các mặt hàng có khối lượng giá trị xuất khẩu tương đối cao sang EU trong những năm qua, nên từ ngày 1.1.2014 Việt Nam đã không được hưởng ưu đãi nữa. Do đó, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn 20,5%. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Tuy nhiên, viễn cảnh đã khác khi Hiệp định EVFTA được ký kết, dự báo mang đến nhiều cơ hội cho ngành cá ngừ Việt Nam trong việc khai phá các thị trường. Với mặt hàng cá ngừ, các doanh nghiệp cho biết khi EVFTA có hiệu lực, mặt hàng này của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế so với các nước như: Thái Lan hay Trung Quốc, các nước đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn tại EU nhưng đều chưa ký kết FTA với EU.
Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%.
Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm. Nhưng theo thông lệ, hạn ngạch này sẽ do phía EU phân bổ.
Theo như cách phân bổ Hạn ngạch Thuế quan Tự trị (ATQ) cho thăn cá ngừ hấp đông lạnh nhập khẩu vào EU thì các nhà nhập khẩu thường ký hợp đồng nhập khẩu sản phẩm này từ rất sớm để các đơn hàng có thể được chuyển tới EU trong tháng 10 và tháng 11.2018, và được lưu kho tại các kho lạnh ngoại quan, trong các khu vực cảng quá cảnh, chờ được thông quan vào tháng 1.2019.
Và để đủ điều kiện sử dụng hạn ngạch này, các nhà chế biến đồ hộp phải thông báo khối lượng nhập khẩu của mình trong ngày làm việc đầu tiên của năm và Hải quan EU phải đến 28.6.2019 mới phân bổ hạn ngạch này cho các nhà chế biến đã nộp đơn yêu cầu.
Như vậy, nhiều khả năng hạn ngạch miễn thuế cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ Việt Nam vào các nước EU theo EVFTA sẽ được áp dụng theo cách này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cho biết muốn tận dụng hạn ngạch này cần phải chuẩn bị sẵn sàng và đẩy nhanh các hợp đồng ký kết trước thời điểm hạn ngạch có hiệu lực.
Giới chuyên gia nhìn nhận trong dài hạn, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành cá ngừ Việt Nam trong việc mở rộng thị phần tại 27 nước EU. Tuy nhiên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì Hiệp định FTA này bao gồm một chương toàn diện và mạnh về thương mại và phát triển bền vững, bao trùm các vấn đề lao động và môi trường có liên quan trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuyết Nhung