Liệu có dấu hiệu tiếp tay trong vụ DN làm giả chứng nhận xuất xứ?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:26, 08/07/2020
Như Một Thế Giới đã đưa tin ngày 6.7, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết kết quả điều tra 76 vụ việc thì phát hiện 24 vụ vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu, phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã tự ý phát hành C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cho hơn 30 doanh nghiệp trên cả nước dù không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền.
Thông tin từ Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua quá trình điều tra, Giám đốc Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt thừa nhận hành vi phát hành C/O là trái quy định của pháp luật.
Theo kết quả điều tra bước đầu, trong thời gian từ ngày 1.1.2018 đến nay, Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt đã tự thiết kế mẫu C/O. Nhận được thông tin về các lô hàng xuất khẩu, công ty đã phát hành tổng số 392 C/O cho 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước để các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt thu từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi C/O phát hành. Tổng số tiền thu lợi bất chính bước đầu xác định khoảng trên 300 triệu đồng. Ngoài việc trực tiếp ký phát hành, Giám đốc Công ty còn chỉ đạo 2 Phó giám đốc ký phát hành C/O cho các doanh nghiệp.
Trong số các doanh nghiệp liên hệ để Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt cấp C/O có 1 doanh nghiệp được cấp 102 C/O, sử dụng cho 196 lô hàng xuất khẩu, tổng trị giá hơn 161 tỉ đồng.
Ngoài ra, 32 doanh nghiệp còn lại được cấp 290 C/O sử dụng cho 385 tờ khai xuất khẩu. Hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau (26 loại) như: thép, nông sản, thủy sản, đồ gỗ, than củi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đồ gia dụng... với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu tạm tính là 444,9 tỉ đồng.
Số lượng hàng hóa này được các công ty xuất cho các đối tác ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của 33 doanh nghiệp nêu trên tạm tính hơn 600 tỉ đồng. Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt có trụ sở chính tại Q.9, TP.HCM.
Tổng cục Hải quan cho biết đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự.
Theo tìm hiểu của PV, Bộ Công Thương hiện là cơ quan thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hoặc ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức khác thực hiện việc cấp C/O. Mỗi cơ quan được cấp một số loại C/O nhất định. Ví dụ, VCCI cấp C/O form A, B... Các phòng quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cấp C/O form D, E, AK...; các ban quản lý Khu chế xuất và khu công nghiệp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O form D, E, AK...
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một chứng từ quan trọng trong xuất nhập khẩu, thể hiện nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được sản xuất tại vùng lãnh thổ, hay quốc gia nào. Về mặt quản lý nhà nước, giấy chứng nhận xuất xứ có một số vai trò liên quan đến chính sách chống phá giá, trợ giá, thống kê thương mại và duy trì hệ thống hạn ngạch...
Mẫu C/O hợp lệ sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Phần này có thể chênh lệch từ vài đến vài chục phần trăm, khiến số tiền thuế giảm được có thể là khá lớn. Cũng vì thế mà cán bộ hải quan soi rất kỹ khi doanh nghiệp làm thủ tục hải quan với những lô hàng có C/O. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thật khó có thể để gần 400 mẫu C/O giả qua cửa hải quan suốt một thời gian dài.
Hiện nay có khá nhiều loại C/O, tùy từng lô hàng cụ thể (loại hàng gì, đi/đến từ nước nào…). Phổ biến có các loại như: C/O mẫu A (mẫu C/O ưu đãi dùng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam); C/O form B (mẫu C/O không ưu đãi dùng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam); C/O mẫu D (các nước trong khối ASEAN); C/O mẫu E (ASEAN - Trung Quốc); C/O form EAV (Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu); C/O mẫu AK (ASEAN - Hàn Quốc), mẫu KV (Việt Nam - Hàn Quốc); C/O mẫu AJ (ASEAN - Nhật Bản); C/O mẫu VJ (Việt Nam - Nhật Bản); C/O mẫu AI (ASEAN - Ấn Độ); C/O mẫu AANZ (ASEAN - Úc - New Zealand); C/O mẫu VC (Việt Nam - Chile); C/O mẫu S (Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia).
Theo quy định hiện nay, việc các doanh nghiệp tự ý làm giả mẫu C/O cho nhiều doanh nghiệp trong nước là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.
Tuyết Nhung