ĐBSCL trong cơn hạn mặn - Bài 1: Thay đổi để thích nghi
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:29, 13/07/2020
Trong hạn, mặn khốc liệt, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã nhìn nhận được thực tế, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước thích ứng với loại hình thiên tai này. Ở những khu vực thường xuyên thiếu nước sản xuất vào mùa khô, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước "sống chung" với hạn, mặn. Điều này không chỉ giảm nước tưới mà thu nhập ổn định, thậm chí cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Thay đổi để thích nghi với hạn mặn
Giữa mùa hạn, mặn gay gắt, cánh đồng nứt nẻ, nhưng hơn 2.000m2 đất trồng dưa hấu trên đất ruộng lúa của anh Sơn Thu, ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vẫn đang phát triển tốt. Anh Sơn Thu chia sẻ, nếu làm lúa thì không đủ nước để tưới, còn bỏ đất trống thì không có thu nhập, trong khi cây dưa hấu thời gian sinh trưởng ngắn, lại không phải sử dụng nhiều nước nên rất thuận lợi trồng vào mùa khô hạn này.
Nhìn ruộng dưa hấu cho đầy trái, đang chuẩn bị thu hoạch, anh Thu phấn khởi ước tính sẽ thu về từ 7 - 8 tấn trái. Với giá hiện tại khoảng trên 4.000 đồng/kg thì anh sẽ kiếm được gần 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Thiếu nước nên nhiều diện tích lúa vừa qua đã chết khô - Ảnh: Vũ Phong
“Bây giờ mình sợ nước mặn, mình trồng dưa hấu, vì dưa hấu trồng ngắn ngày, có 55 ngày là mình thu hoạch, trong khi lúa thì rất là dài, hơn 90 ngày lận. Thí dụ mình tưới cho lúa 100 lượng nước thì dưa hấu của mình chỉ tốn khoảng 20-30%. Nó giảm ít lại”, anh nói.
Sau kết thúc vụ lúa đông xuân, nhiều nông dân vừa qua đã tranh thủ xuống giống vụ dưa hấu để né đỉnh điểm của hạn mặn gay gắt nhất trong năm. Cách trồng dưa hấu trên đất ruộng cũng khá đơn giản, người dân chỉ đào 1 con mương nhỏ dọc giữa đất trồng dưa hấu, sau đó lấy nước ngọt từ kênh thủy lợi vào để tưới cho dưa là xong. Dưa hấu trồng trực tiếp trên mặt ruộng mà không cần lên mô đất, nên chi phí đầu tư rất thấp.
Bước vào mùa khô hạn hàng năm, tại sông Nhu Gia đoạn chạy qua xã Thạnh Phú, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thường xuyên bị nước mặn xâm nhập nặng, có lúc lên tới 7-8 %o. Vì vậy, chính quyền địa phương đã vận động nông dân chọn cây màu ngắn ngày đưa xuống chân ruộng để thay cho cây lúa, vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo thu nhập cho nông dân địa phương vào mùa khô hạn.
Nông dân Nguyễn Văn Thắng, ở xã Trung Thạnh, H.Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) cho biết vài năm trở lại đây canh tác lúa gặp nhiều khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Và việc thiếu nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cũng là một trong những vấn đề mà người dân phải nghĩ tới khi canh tác lúa. Nhận thức rõ được vấn đề, anh Thắng đã chủ động chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Đến nay, hơn 8 công cam của gia đình anh đã cho thu hoạch và hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
“Lượng nước tưới tiêu khi chuyển đổi còn ở mức chấp nhận được. Người nông dân phải cần học hỏi, phải cập nhật thông tin, phải học hỏi thầy ở trường, ở viện để tiếp thu những sáng kiến mới, canh tác mới của nhà khoa học đưa ra để làm sao tạo thích nghi của người nông dân với biến đổi khí hậu môi trường để làm sao tạo kinh tế tốt”, anh cho biết.
Chuyển lúa sang trồng màu để giải quyết vấn đề thiếu nước sản xuất
Chừng hơn 1 tháng trước, hàng năm người dân ở xã Lương Tâm, H.Long Mỹ (Hậu Giang) phải lao đao vì chống chọi với khô hạn, nước mặn xâm nhập. Nhìn từ hạn mặn khốc liệt năm 2016 mà người dân nơi đây đã thay đổi tư duy sản xuất, không còn lấy cây lúa là cây trồng chủ lực mà chuyển đổi mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, kết hợp với tưới nước nhỏ giọt. Mô hình này mang lại hiệu quả khi người dân tiết kiệm được nguồn nước tưới.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp ấp 9, xã Lương Tâm cho biết HTX có hơn 20 héc-ta đất, người dân trồng dưa lê, đậu bắp, ớt và 45 héc-ta đang canh tác lúa. Không chỉ tiết kiệm nguồn nước, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính còn hạn chế sử dụng thuốc hóa học, phân bón, từ đó tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Ông Khánh chia sẻ, năm nay các thành viên trong HTX trồng thử nghiệm 1.000m2 dưa lưới đã mang lại thành công. Những năm tiếp theo HTX sẽ nhân rộng thêm trên diện tích đất trồng rau, màu.
Hạn hán ở ĐBSCL ngày một gay gắt - Ảnh: CTV
“Bây giờ nếu mình trồng ở ngoài trời thì phải tưới lượng nước nhiều lắm mới được. Còn mình trồng ở đây thì một ngày, 1.000m2 này tưới khoảng 40 lít nước. Ở ngoài, 40 lít nước chỉ tưới được một vòng là xong. Định là năm tới sẽ làm thêm 1 cái nhà lưới 1.000m2 nữa. Bà con rất thích, lần lần ở rẫy cũng có một ít bà con trồng dưa lê tưới nhỏ giọt, tưới ít nước, chứ không còn lấy máy tưới phun phà phà như xưa nữa”, ông chia sẻ.
Từ thực tế hậu quả hạn, mặn năm 2016, nhiều người dân ĐBSCL đã nhận thức rõ được vấn đề, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các mô hình làm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, giảm được chi phí sản xuất, công lao động, nhất là giải quyết bài toán về thiếu hụt nguồn nước sản xuất khi hạn mặn ngày càng diễn ra khốc liệt.
>> Nỗi niềm ‘tỉ phú sầu riêng’ sau mùa hạn mặn
Văn Phạm