ĐBSCL trong cơn hạn mặn - Bài 2: Cần phát huy lợi thế từng vùng sinh thái
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:48, 14/07/2020
Bài 1: Thay đổi để thích nghi
Hạn, mặn năm nay đã được các nhà khoa học cảnh báo khi ngay đầu mùa lũ mực nước sông Mekong thấp kỷ lục. Vì vậy, không còn là bất ngờ như năm 2016, chính quyền, ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng ĐBSCL đã khuyến cáo người dân chuyển dịch mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đã có nhiều mô hình mang lại tín hiệu vui. Tại nhiều địa phương, người dân đã thấy rõ được vấn đề cấp thiết là phải sống thuận thiên, theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình trồng màu trên đất lúa phát huy hiệu quả trong hạn mặn
Nói về những mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp trong điều kiện thiếu nước sản xuất hiện nay, ông Sơn Thái Phe, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết mùa khô năm nay, thực hiện chuyển đổi đưa cây màu xuống chân ruộng tại địa phương, nông dân gieo trồng hơn 170 hecta. Trong đó nhiều nhất là cây dưa hấu.
Mô hình này mang lại hiệu quả cao, nếu trúng mùa được giá, người dân lợi nhuận trên 10 triệu đồng/công, cao hơn nhiều lần so với làm lúa. “Nếu chúng ta sản xuất lúa vụ 3 với độ mặn như thế này sẽ không mang lại hiệu quả. Đưa màu xuống chân ruộng thì chúng ta sử dụng nước rất là ít mà hiệu quả thì rất là lớn”, ông Phe khẳng định.
An Giang chủ động nước tưới nhờ mô hình trồng màu - Ảnh: Văn Phạm
Trước tình trạng khô hạn thường xuyên diễn ra tại một số nơi, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã chủ động việc đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khu vực vùng Bảy Núi và những vùng có nguy cơ thiếu nước vào mùa khô.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang Lương Huy Khanh cho biết, khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất của người dân, giai đoạn từ 2018-2020, địa phương đã xây dựng thêm 5 hồ thủy lợi và 3 trạm bơm tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Các công trình đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa, không chỉ dừng lại phục sản xuất nông nghiệp, mà còn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho 80.000 hộ dân.
“Chúng tôi ưu tiên bố trí nguồn kinh phí công ích thủy lợi bằng nguồn Nghị định 35 để thực hiện nạo vét kênh bị cạn kiệt, đắp các đập tạm, cải tạo các trạm bơm tạo nguồn nước, tích trữ nước để phục vụ cho công tác sản xuất và dân sinh trong thời gian hạn”, ông Khanh nói.
Tận dụng các công trình ngăn mặn
Hàng chục năm qua, tại vùng giáp ranh 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, việc điều tiết, kiểm soát nước ngọt và nước mặn phục vụ cho trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân luôn gặp khó khăn vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, năm nay người dân ở đây đã an tâm sản xuất vì công trình cống âu thuyền Ninh Quới vừa hoàn thành đi vào hoạt động đảm bảo điều tiết nước hài hòa giữa 2 vùng mặn, ngọt.
Bước đầu công trình đã phát huy hiệu quả khi góp phần cùng với những công trình khác đã xây dựng trong vùng chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng và cả tỉnh Hậu Giang. Điều quan trọng hơn cả là đã giải quyết dứt điểm xung đột xảy ra nhiều năm qua giữa người dân TX.Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) với người dân H.Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) trong việc tranh chấp nước mặn, nước ngọt để nuôi thủy sản và trồng lúa.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu rõ: “Khi Bạc Liêu cần nước mặn để mà nuôi tôm thì lúc đó Sóc Trăng cũng cần giữ nước ngọt để sản xuất lúa. Đây là xung đột của nhiều năm nay mà chúng ta không giải quyết được, thì khi có âu thuyền Ninh Qưới này, chúng ta kiểm soát hoàn toàn. Vùng mặn cũng đủ nước để sản xuất tôm, còn vùng ngọt có nước để sản xuất lúa. Có thể nói bà con rất yên tâm khi có âu thuyền Ninh Quới”.
Phát huy tối đa lợi thế từng vùng sinh thái
Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, thời gian qua vùng ĐBSCL vẫn tập trung chủ yếu vào sản xuất lúa 3 vụ mà chưa phát huy hết lợi thế của từng vùng sinh thái khác nhau, vẫn còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng sẵn có. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho biết hạn mặn năm nay đã khốc liệt, và có thể năm sau khốc liệt hơn nữa. Chính vì vậy, cần phải hướng đến thuận thiên theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Trong đó, sản lượng lúa không còn là ưu tiên mà chất lượng mới quan trọng; phải phát huy tối đa từng vùng sinh thái ở ĐBSCL. Đối với vùng thượng, đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa, cá tra và điều tiết, kiểm soát lũ. Còn vùng giữa là vùng phù sa, phát triển cây ăn trái, phục hồi trao đổi nước giữa vườn tược và sông ngòi. Riêng vùng ven biển dựa vào nước mặn, lợ phát huy lợi thế thủy sản kết hợp sản xuất lúa gạo đặc sản, cây trồng sử dụng ít nước.
Chuyển đổi mô hình trồng trọt để thích ứng khô hạn - Ảnh: Văn Phạm
Ông Thiện nhận xét: “Nghị quyết 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu cây trồng khác, rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh 3 vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia. Nhưng ưu tiên số 1 bây giờ không phải là làm ra thật nhiều lúa giá rẻ, mà tập trung vào chất lượng, thu nhập. Nghị quyết 120 cũng chỉ rõ cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt phục vụ tối đa hóa lượng lúa như trước đây”.
Những công trình thủy lợi được đầu tư thời gian qua đã phần nào phát huy hiệu quả, bước đầu giảm thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải quy hoạch lại vùng sản xuất, phát huy tối đa lợi thế từng vùng để nâng cao giá trị hàng hóa. Trong đó vấn đề then chốt là sự kết nối, liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong vùng trong thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Chỉ có như thế mới mang lại hiệu quả một cách bền vững.
Văn Phạm