Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng: Mấy ý kiến nhỏ góp vào hộp thư Hiến kế cho Đắk Lắk
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:00, 26/07/2020
Đắk Lắk (Đắc Lắc) là tỉnh có vị trí địa lý là trung tâm của Tây Nguyên. Trong lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm qua của mình, Đắk Lắk luôn được các nhà khoa học, chiến lược gia, chuyên gia trong nước và quốc tế (trước đây, một vị toàn quyền Đông dương đã từng nói đại ý: Ai làm chủ Buôn Ma Thuột người đó sẽ làm chủ Đông Dương) cũng như các nhà lãnh đạo đất nước đánh giá rất cao.
Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã chọn nơi này để mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 10.3.1975, tạo đà 55 ngày đêm thần tốc giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 của đất nước, dân số đứng thứ 9 của đất nước, với ngành nông nghiệp quy mô lớn hàng đầu của cả nước cả về diện tích canh tác, gieo trồng, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu...
Đắk Lắk đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực thì vẫn là tỉnh chậm phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, các thứ hạng so sánh đánh giá quá khiêm tốn thậm chí có nhiều chỉ tiêu yếu kém lạc hậu. Thật sự không tương xứng với tiềm năng tự nhiên, xã hội, văn hoá và vị trí địa kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh. Chúng ta bình tâm ngồi nghĩ, xem xét đánh giá rất khách quan, mới thấy hết được bức tranh toàn cảnh của Đắk Lắk hiện nay. Hãy đưa tất cả các thông số: tự nhiên, xã hội, văn hoá, thành tựu mọi mặt, cũng như các tiêu chí xếp hạng quốc gia lên bản đồ chung của Việt Nam ta mới thấy Đắk Lắk đang là ai, đang ở đâu và so sánh các chỉ số bình quân đầu người, bình quân đầu diện tích tự nhiên, diện tích đất đai đang khai thác kinh doanh (coi tỉnh nhà như một doanh nghiệp lớn để đánh giá hạch toán hiệu quả kinh tế xã hội...).
Tôi xin có mấy ý kiến nhỏ đề xuất cho giai đoạn 2021- 2025, và cho tới 2045 như sau: Muốn phát triển bứt phá trong 5, 10, 25 năm tới tỉnh phải xác định: Hiện tỉnh đang ở đâu, ở thứ hạng nào của cả nước để từ đó dựa vào lợi thế của tỉnh, dựa vào chiến lược phát triển của quốc gia và xu thế của thời đại, của toàn cầu và khu vực mà hoạch định chiến lược phát triển, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, các chính sách đột phá và các giải pháp khả thi đồng bộ quyết tâm, quyết chí và khát vọng đạt bằng được các mục tiêu chỉ tiêu đó. Tôi nghĩ là nên lập bản đồ các chỉ số đạt được, cũng như các chỉ số xếp hạng của VCCI, của Bộ kế hoạch đầu tư... và một bản đồ tương tự với chỉ số dự đoán phấn đấu. Lấy đó để vận hành chỉ đạo, chỉ huy, quản trị và đưa ra các giải pháp thực hiện bằng được!
Về kinh tế, xã hội theo tôi vẫn kiên trì cơ cấu: Nông lâm nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ du lịch.
Thứ nhất về Kinh tế Nông lâm nghiệp:
Đắk Lắk đang có lợi thế vượt trội cả nước và khu vực. Đó là nền nông nghiệp quy mô lớn, tập trung cây công nghiệp, lương thực thực thực phẩn hướng ra xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm. Cần giữ vững, có điều chỉnh chút ít cho phù hợp vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông lâm sản và nông sản xuất khẩu với các sản phẩm chủ lực lớn: cà phê, cao su, hồ tiêu, gỗ rừng trồng cây mọc nhanh, cây ăn trái như bơ, sầu riêng, chanh dây... Vấn đề là phải xây dựng các chương trình dự án với công nghệ mới tiên tiến có áp dụng công nghệ cao trong cả chuỗi giá trị nông lâm sản. Để đảm bảo các sản phẩm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... truy xuất nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nên nghiên cứu nhập công nghệ của Nhật Bản, Israel, Đài Loan, Hàn Quốc bằng con đường dự án FDI và doanh nghiệp lớn... Nên mạnh dạn cho tích tụ đất nông nghiệp và khuyến khích mô hình Tư nhân hoá trong tất cả các khâu của nông lâm sản. Có vậy mới tạo ra động lực và quy mô của các sản phẩm hàng hoá.
Phải chú trọng tới khoa học công nghệ trong giống cây trồng vật nuôi, trong thu hoạch, sơ chế nông sản, chế biến sâu ra sản phẩm và thương mại hoá cho cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Mục tiêu đặt ra là kim ngạch phải đạt hàng tỉ USD mỗi năm. Khát vọng đứng vào top 5 hay chí ít là top 10 về xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam... Ổn định vùng lúa ngô sắn, đậu đỗ có năng suất, chất lượng, sản lượng và tạo giá trị gia tăng vượt trội, để có đủ lương thực tại chỗ và hàng hoá cung cấp nguyên liệu chế biến thưc ăn gia súc như ngô, bã đậu nành, đậu lạc và rỉ mật đường...
Thứ hai, về Công nghiệp:
Đắk Lắk không hề yếu, có tiềm năng lớn để phát triển. Trước hết là công nghiệp năng lượng: Thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió thậm chí điện địa nhiệt...! Công nghiệp chế biến cà phê còn dư địa rất lớn. Thử tính xem nếu có 5, 10 doanh nghiệp chế biến cà phê rang xay, ca phê hoà tan, cà phê viên, cà phê túi lọc... các sản phẩm có hương vị ca phê như: bánh kẹo cà phê, rượu cà phê, nước đóng chai...có hương vị cà phê. Với quy mô như Trung Nguyên, như An Thái, như cà phê Ngon.. thì Buôn Ma Thuột có phải là thủ phủ cà phê không? Công nghiệp chế biến gỗ ván nhân tạo: MDF, HDF... với gỗ cao su hằng năm thanh lý rừng cao su hết mủ, gỗ rừng trồng cũng là hướng đi mà Đắk Lắk bỏ quên bao năm nay! Công nghệ này hiện đang thịnh hành ở nước ta khi cả nước có tới 13 nhà máy công suất từ 50 tới 400.000 khối ván nhân tạo/nhà máy và tổng công suất trên 1.300.000 khối mỗi năm. Ngay Đắk Nông, Bình Phước, Long An cũng đã có nhiều nhà máy công suất rất lớn....! Công nghiệp chế biến cây lương thực: gạo, ngô, tinh bột sắn cần quan tâm phát triển bằng ổn định vùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ mới thiết bị hiện đại... Kêu gọi và tạo môi thường hấp dẫn thân thiện mời gọi các nhà đầu tư vào chế biến hoa quả bằng các công nghệ tiên tiến phù hợp: cấp đông, sấy thăng hoa, đóng lon, chai các sản phẩm như chanh dây, dứa, đậu nành, bơ, sầu riêng... Và đương nhiên là các dự án chế biến thịt, sữa... và công nghiệp cơ khí chế tạo sửa chữa phục vụ nông lâm nghiệp.. Bên cạnh đó là.duy trì 2 nhà máy đường mía đủ vùng nguyên liệu giống mới ROC 16, 20 của Đài Loan...
Chúng ta có thể thấy sự chuyển dịch công nghiệp gia công: giày da, may mặc từ miền Đông nam bộ lên Đắk Lắk theo nguyên lý “vết dầu loang” khi Chính phủ, Bộ Giao thông làm đường cao tốc TP.HCM lên Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum.... Tỉnh chuẩn bị đón nhận xu thế này. Khi đó vấn đề logistic, vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm sẽ khác hẳn, chúng ta sẽ thực hiện cuộc dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp với quy mô không hề nhỏ. Đắk Lắk khi đó sẽ có thời cơ để là tỉnh công nghiệp hoá.!?
Thứ ba, về Dịch vụ du lịch:
Đây là khâu rất yếu hiện nay của Đắk Lắk. Vì chúng ta quá thiếu hạ tầng, thiếu công nghệ, thiếu sản phẩm và đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Chúng ta học cách làm của Đà Nẵng, Khánh Hoà, Lâm Đồng... Theo tôi cần mạnh dạn, tạo cơ chế thật hấp dẫn, thông thoáng và hỗ trợ với phương châm cùng có lợi, cùng thắng lợi trong lĩnh vực này. Các địa danh và kho tàng lịch sử văn hoá dân tộc dân gian của thành phố Buôn Ma Thuột, với hạ tầng kỹ thuật hiện có, Đắk Lắk nên tập trung biến thành phố này thành điểm đến của du lịch (tôi đã giúp đề án này cho thành phố 5 năm trước). Buôn Ma Thuột là trung tâm dịch vụ cấp 2 của đất nước, nó lan toả phục vụ 2 triệu dân Đắk Lắk và hàng trăm ngàn du khách mỗi năm. Muốn thế phải chỉnh trang thành phố.
Theo tôi, chỉ cần làm lại hệ thống hè phố cho đàng hoàng, bỏ bớt các cổng chào “rậm rạp” khắp thành phố và hướng dẫn người dân thực hiện văn hoá văn minh đô thị theo khẩu hiệu: “Hãy đặt mình vào vị trí của khách, của nhà đầu tư”. Quảng bá rộng rãi các địa danh: Ngã 6, chùa Khải Đoan, Toà giám mục, Bảo tàng, Biệt điện, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Buôn Kotam, Buôn A ko thong, văn hoá cồng chiêng, ca múa nhạc của các đơn vị, cá nhân... các quán cà phê nổi tiếng, các món ăn độc đáo nổi tiếng của nơi này như Bún bà Mô, Nem nướng Thanh Hùng, Bún đỏ… cà phê chồn Kiên Cường, quán cơm A tỷ... Đầu tư mạnh vào các khu vui chơi, danh lam thắng cảnh Hồ Lak, Buôn Đôn,.. bằng các nhà đầu tư lớn, bằng cách sang nhượng dự án, hoặc đầu tư mới từ đầu. Thậm chí mạnh dạn mời đầu tư các sân golf như Lâm đồng đã làm; cần bàn với hàng không xử lý nâng cấp các chuyến bay nội địa và quốc tế đi đến Buôn Ma thuột..
Theo tôi, nên hiểu dịch vụ theo nghĩa rộng. Phát triển mạnh mẽ, quy mô chất lượng giáo dục đào tạo và y tế chất lượng cao đó là loại hình dịch vụ cao. Buôn Ma Thuột phải là thành phố tập trung hàng chục đại học lớn, các viện nghiên cứu, các đại học liên kết để tới lúc thu hút hàng trăm ngàn sinh viên. Phải liên kết với các đại học y khoa lớn và các bệnh viện lớn của TP.HCM, Hà Nội, Huế để có các chuyên gia y tế bác sĩ giỏi, nổi tiếng tới cùng tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân thì mới khá được, thu hút nhu cầu sẵn có của các tỉnh lân cận tới học tập, điều trị bệnh...
Có một lợi thế mới phát sinh là UNESCO vừa ra quyết định công nhận Công viên địa chất toàn cầu cho vùng Bazan Krongno tỉnh Đắk Nông. Đó sẽ là điểm đén du lịch hấp dẫn hàng trăm ngàn du khách trong nước và quốc tế sẽ tới đây. Thành phố Buôn Ma Thuột rất gần khu du lịch khổng lồ đặc biệt này. Đắk Lắk chuẩn bị cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn nghỉ mua sắm và thăm quan nghỉ dưỡng khi khách đến thăm khu Hang động bazan này trong khi Gia Nghĩa, thủ phủ Đắk Nông lại xa quá, không tiện giao thông và chưa đủ hạ tầng, sản phẩm du lịch dịch vụ phục vụ khách. Rõ ràng là: “Của người phúc ta”.
Với khí hậu thời tiết mát mẻ cây cối xanh tươi yên tĩnh có hay chăng nên kêu gọi tạo lập công viên phần mềm, các công viên trung tâm công nghệ cao, trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghiệp... theo kiểu Technopark, hoặc Hi - Tech Park...
Tôi mạnh dạn kiến nghị lãnh đạo tỉnh mấy giải pháp nhỏ:
Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực, mọi cơ chế phấn đấu 5 năm tới tập trung nâng cấp làm mới tất cả các tuyến đường ô tô từ Buôn Ma thuột xuống các xã bằng bê tông hoặc nhựa như các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Đề nghị chính phủ ưu tiên làm cao tốc TP.HCM lên các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, bằng cách Lãnh đạo Đắk Lắk chủ trì mời lãnh đạo các tỉnh lân cận lập tờ trình lên Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Song song với đó là triển khai cao tốc đi Nha Trang, Khánh Hoà, nâng cấp các quốc lộ đi Đà Lạt, Tuy Hoà... Đồng thời lên kế hoạch với Bộ giao thông vận tải và các Tập đoàn Vingroup, TKV… Tổng công ty đường sắt có thể nối lại và mời Nga, Ukraine đầu tư đường sắt nới cảng Cái Mép Thị Vải lên Gia Nghĩa, Đường sắt nối cảng Vũng Rô lên Buôn Hồ...Giao thông cực kỳ quan trọng.
Thứ hai, nên nhớ rằng nội lực của tỉnh đã bung ra hết cỡ nên muốn phát triển giai đoạn này phải dùng ngoại lực là chính. Ngoại lực là đầu tư của Chính phủ bằng cho cơ chế riêng biệt, bằng vốn tài chính... Ngoại lực là đầu tư của các doanh nghiệp lớn Việt Nam, của các dự án FDI từ nước ngoài sau đại dịch COVID-19. Nên mở cửa thông thoáng cởi mở và ưu đãi cho đầu tư từ bên ngoài vào với khẩu hiệu lúc này là: “Đắk Lắk mở cửa, thân thiện và hội nhập”.
Thứ ba, cái quyết định nhất lúc này là một nền hành chính hiệu lực và hiệu quả..Cải cách thủ tục hành chính công “một cửa, một dấu, một chữ ký”, lấy sự hài lòng của người dân, của khách hàng là gốc để quản trị và điều hành. Hạn chế hội họp trực tiếp tập trung thay bằng họp trực tuyến, online nhằm giảm chi phí hành chính và thời gian do hội họp để lãnh đạo các cấp có thời gian đi sát thực tế cơ sở, tiếp cận công việc và dân nhiều hơn. Phân cấp, phân quyền thật mạnh cho các huyện thị, cho các sở ngành để họ phát huy chủ động và trách nhiệm với công việc. Thử nghiệm tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Mạnh dạn tuyển chọn chuyên gia, giao việc cho trí thức trẻ.
Thứ tư, nên từng bước thay đổi tư duy, cách nhìn nhận vấn đề đầu tư, nhà đầu tư từ cách hành xử của cảnh sát giao thông, của an ninh an toàn khi kêu gọi, tổ chức các hoạt động có yếu tố nước ngoài vào tỉnh. Bằng việc sử dụng công nghệ cao công nghệ thông minh trong giám sát… quản lý, xử lý.
Thứ năm, xem lại tính hiệu quả sớm trình Thủ tướng chính phủ và Ban đổi mới doanh nghiệp nhà nước để sắp xếp lại toàn bộ nông lâm trường quốc doanh theo hướng: bán, khoán cho thuê, cổ phần hoá và tư nhân hoá tài sản trên đất. Cho phép tích tụ đất cho gây tạo vùng nguyên liệu nông lâm sản lớn gắn với nhà đầu tư lớn khép kín về chế biến nông lâm sản...
Thứ sáu, ưu tiên ổn định phát triển kinh tế, việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc là đồng bào dân tộc ít người tại chỗ.
Thứ bảy và cuối cùng là tạo mối quan hệ thân thiết hữu ích cho tỉnh với các Thành phố lớn, các tỉnh lân cận, các tỉnh thành công, cũng như quan hệ cởi mở rộng rãi có hiệu quả với các bộ ngành trung ương.
TS Nguyễn Văn Lạng (nguyên Thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)