EVFTA đã cận kề, kinh tế số lên ngôi thời COVID
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:45, 29/07/2020
Trách nhiệm của doanh nghiệp phải chuyển đổi số
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 xác định tầm nhìn Việt Nam trở thành một quốc gia số và đi tiên phong trong các thử nghiệm và các mô hình công nghệ mới. Chương trình chuyển đổi số quốc gia tích hợp với chương trình phát triển bền vững của nước ta sẽ tạo thành những trụ cột để phát triển nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh hiện nay.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận dịch COVID-19 là sự cảnh báo tự nhiên với con người và đang đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo hơn, nhân văn hơn, tự chủ hơn và chuyển đổi số là cuộc cách mạng tiếp theo của nhân loại. Dịch bệnh cũng cho thấy quan hệ trực tuyến quan trọng như thế nào.
Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đang cận kề có hiệu lực, nhưng cản trở đi lại do dịch bệnh cũng khiến doanh nghiệp lo ngại phần nào. Để giải quyết bài toán này, ông Lộc cho rằng các doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh, thiết lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
"Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bởi vậy, ở thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với kỹ thuật số, coi chuyển đổi số chỉ là một chi phí phải gánh chịu, chứ không coi đó là khoản đầu tư được coi trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số", Chủ tịch VCCI nhận định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải sáng tạo chuỗi cung ứng, loại bỏ khâu trung gian rườm rà, hình thức. Đổi mới mô hình sáng tạo và nhân văn sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số ở cấp doanh nghiệp. Để thực hiện bước đi này, lãnh đạo VCCI lấy ví dụ nhiều doanh nghiệp đã thành lập văn phòng chuyển đổi số, đặt ngang hàng với phòng kế hoạch kinh doanh hay tổ chức tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tìm một giám đốc kỹ thuật số như một nhân sự chủ chốt, là cánh tay phải của ban lãnh đạo, là một nhân vật có tầm ảnh hưởng đến định hướng của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, theo ông Lộc, việc tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là một điều bắt buộc. Đối cơ quan quản lý là Bộ Công Thương thì việc phối hợp, vận hành nền tảng số giữa những cơ quan trong cả hệ thống mạng lưới dịch vụ để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu như: C/O, hải quan, thuế, logistics, ngân hàng... là những vấn đề quan trọng sống còn.
Về phía Chính phủ, như ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận: Là vấn đề công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chỉ phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Do đó, muốn thực hiện thương mại điện tử, chuyển đổi số, trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại với quy định pháp luật phù hợp trên cơ sở nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng để tạo một hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.
Nói về sự cần thiết của lĩnh vực thương mại điện tử trong các FTA, Chủ tịch VCCI cho biết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... lần đầu tiên có chương về thương mại điện tử và trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu quan trọng nhất là những cam kết của các chính phủ, các nền kinh tế đối với việc thực hiện những chính sách ưu đãi đối với hoạt động chuyển đổi số.
Trong đó nhấn mạnh đến việc không thu thuế đối với việc truyền dẫn số qua biên giới và các hiệp định cũng đề cập đến việc bảo vệ người tiêu dùng tránh những hành vi lừa đảo, gian lận trong không gian số, trong thương mại điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch điện tử. Ngoài ra, hiệp định cũng bảo đảm, tôn trọng quyền tự do trong giao dịch điện tử trong thương mại điện tử.
"Kinh tế số sẽ là cơ hội để Việt Nam định hình lại mình, thay đổi mình trong nền kinh tế toàn cầu, và FTA chính là cơ hội của chúng ta. Đó là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.
Kinh tế số lợi ích thế nào?
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng khi COVID-19 xảy ra, các đơn vị mới dần nghĩ tới việc dịch chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Khi so sánh giữa hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến, hình thức trực tuyến có thể được tổ chức liên tục với chi phí ngắn và có thể thực hiện trên đa dạng các nền tảng. Hình thức này loại bỏ 3 hạn chế chính của hình thức trực tiếp gặp phải là về địa lý, về khả năng và số lượng tiếp cận, và cuối cùng là chi phí.
Theo đó, chuyển đổi số đã mở ra khả năng tiếp cận một thị trường lớn là EU, nơi có hệ thống công nghệ thông tin hết sức phát triển. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một công cụ để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng: "Đây là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
"Hơn nữa, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây", Thứ trưởng Hưng cho hay.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết Bộ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 để tăng cường hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp triển khai chuyển đối số thành công, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.
Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD, kinh tế số chiếm khoảng 4,5 -15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, internet vạn vật, robot và tự động hóa, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.
Bài và ảnh: Tuyết Nhung