Buổi họp phụ huynh đầu năm học của chị Nguyễn Thị Thùy Liên tại một trường tiểu học ở quận 7, TP. HCM trở nên "nóng", khi chị cùng giáo viên chủ nhiệm và các phụ huynh thảo luận đến việc nhắc trẻ uống nước sau mỗi tiết học và việc giữ gìn sạch sẽ nhà vệ sinh của trường, để các em không còn ngại đi tiểu, đi đại tiện.
Chị Liên cho biết: "Từ hôm nhập học tới nay hơn 1 tháng mà cháu ở nhà bị táo bón liên tục, chảy máu cả hậu môn. Tôi hỏi ra mới biết cháu không dám đi đại tiện ở trường, vậy nên tôi tranh thủ dặn cô giáo nên tâm lý, thỉnh thoảng nhắc các cháu đi vệ sinh".
Việc thảo luận trở nên gay cấn hơn khi một phụ huynh khác có hai con học cùng trường chia sẻ: “Hai con tôi sau khi đi học về là lao vào nhà tranh nhà vệ sinh để đi tiểu. Cuối cùng, chị hỏi mãi mới biết ở trường hai bé đều nhịn uống nước để không phải đi tiểu ở trường, chiều về nhà đi tiểu.
|
Ảnh minh họa: Nhà vệ sinh trong một trường học |
Nguy hiểm từ việc nín tiểu, nhịn đi đại tiện
Tiến sĩ - bác sĩTrần Thị Mộng Hiệp, Trưởng Khoa Thận Nội Tiết, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP. HCM cho biết, khi bé nín tiểu, nước tiểu gồm các chất cơ thể cần thải ra ngoài bị ứ lại trong bàng quang. Các chất này sẽ là môi trường cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng tiểu. Loại thường gặp là E.coli. Ðây là vi trùng của đường tiêu hóa, đi từ ruột xuống hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, đi ngược dòng vào đường niệu dẫn đến nhiễm trùng tiểu, viêm đường tiết niệu.
Bệnh rất nguy hiểm do biến chứng thường gặp là sẹo thận. Sau một đợt nhiễm trùng tiểu nặng hoặc tái phát nhiều lần, 10 - 15% trẻ có khả năng sẽ bị tổn thương ở thận dưới dạng sẹo thận. Nó có thể gây cao huyết áp và dẫn đến suy thận mãn sau này. Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở bé gái nhiều hơn ở bé trai do niệu đạo của bé gái ngắn hơn, vi trùng dễ xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng. Với một số bé, nín tiểu nhiều còn có thể gây tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, muốn đi tiểu mà không được hoặc són tiểu. Nước tiểu có thể đục hoặc tiểu ra máu. Ngoài ra, trẻ cũng có thể sốt, đau bụng, hông, lưng khi bị viêm đường tiết niệu.
Ngoài ra, vì ngại đi vệ sinh sẽ làm cho trẻ không dám uống nước nhiều. Trong khi ở tuổi các bé lại vận động nhiều, nên rất cần cung cấp đầy đủ nước. Việc không uống đủ nước sẽ làm hại đến cơ thể.
|
Ảnh minh họa: Tập cho các bé thói quen tự lập |
Về việc các bé nhịn đi đại tiện, bác sĩ Trần Nguyên Khôi, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. HCM cho biết, thói quen nhịn đi đại tiện đem lại hậu quả rõ rệt hơn rất nhiều so với nhịn tiểu tiện, bởi nó nhanh chóng gây táo bón vì đại tràng thường xuyên rút bớt nước từ chất thải đường tiêu hóa nên để càng lâu, phân càng khô cứng và khó ra ngoài.
Trường hợp của con chị Thùy Liên là một ví dụ. Cố nhịn đi đại tiện và chờ cho đến lúc về nhà lâu ngày khiến cháu sinh chứng táo bón, dẫn đến đau, chảy máu hậu môn khi đi đại tiện ở nhà. Do sợ đau khi đi cầu nên các bé cố trì hoãn, khiến tình trạng táo bón càng nặng thêm. Do đó, các bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh nên tạo thói quen cho con đi vệ sinh vào một giờ nhất định như buổi sáng trước khi đi học và dặn dò bé xin phép cô giáo, cô bảo mẫu khi có nhu cầu đi tiểu hoặc đại tiện.
Ðồng thời, ba mẹ thường xuyên quan sát, để ý đến việc đi tiểu của con, nhất là các bé ở tuổi tiểu học và mẫu giáo để sớm phát hiện bất thường hoặc xử lý kịp thời, giúp con giải tỏa, khắc phục những nỗi sợ gây ra tình trạng nhịn tiểu, nhịn uống nước, nhịn đại tiện ở trước.
Quan trọng hơn hết là khuyến khích và giúp bé hiểu rõ tác hại của việc nhịn tiểu, nhịn đi. Ngoài ra, trẻ cũng cần uống nhiều nước, khoảng 1,5 đến 2 lít nước/ngày, sẽ giúp cho thận thải tốt các chất bã và làn da bé sẽ mát hơn. Phụ huynh nên khuyến khích con mang theo bình nước uống và dặn con thường xuyên uống nước ở trường.
Hải Nam