Nam thanh niên “gắn bi giả” để đi mát-xa
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 23:59, 23/10/2014
Khổ sở vì "cậu nhỏ" của mình chỉ có một tinh hoàn, nam thanh niên ở quận 10, TP. HCM, đã tìm cách gắn bi giả - tinh hoàn giả. Mong muốn duy nhất của thanh niên này là: "Muốn tăng bản lĩnh đàn ông và tìm sự sung sướng ở các điểm mát-xa".
Anh Nguyễn Đức Tâm, 27 tuổi, ngụ tại Quận 10, TP. HCM tìm đến bệnh viện Bình Dân và chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới: "Tôi bẩm sinh chỉ có một bên. Hồi nhỏ, chuyện mình bị "lẻ bi" không làm tôi bận tâm cho lắm, nhưng bây giờ thì nó là chuyện lớn".
Anh kể rằng trong khi các bạn xung quanh mình có bạn gái, người yêu và cuối tuần dắt nhau đi hẹn hò, đi chơi thì anh thường thui thủi ở nhà ôm ti-vi hoặc máy vi tính. Nỗi lo lắng nếu bạn gái phát hiện mình có "một bên" khiến anh nhiều đêm trằn trọc, mất ăn, mất ngủ. Gần đây, khi đám bạn rủ rê nhau đi mát-xa, anh luôn phải nghĩ cách từ chối vì ngại mọi người biết “bộ phận bản lĩnh đàn ông” của mình thiếu sót. Anh Tâm chia sẻ: "Tôi rất buồn mỗi khi bạn bè mình thuật lại cảm giác tìm sự “sung sướng” ở các tiệm mát-xa, vì vậy tôi đã tìm hiểu về kỹ thuật đặt tinh hoàn giả và để dành tiền để thực hiện".
Tương tự, anh Nguyễn Hoài Nam, 22 tuổi ở Gò Vấp, TP. HCM chỉ còn "một bên" sau phẫu thuật cắt bỏ một tinh hoàn do bị xoắn gây hoại tử. Anh kể về nỗi ân hận và mặc cảm vì khiếm khuyết của mình: "Hồi học lớp 9, tôi bị đau ở vùng kín dữ dội nhưng không dám nói với ai. Tôi chịu đựng đến 2-3 ngày và khi không thể chịu nữa, tôi mới nói với ba mẹ và vào bệnh viện khám. Sau đó bác sĩ cho biết là một bên tinh hoàn đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ”. Từ đó, khi đến tuổi cập kê, anh luôn thấy mặc cảm và cảm thấy mình “yếu” hẳn đi, nhất là khi đi tắm, sờ chỉ còn thấy một “viên bi”.
Tình cảnh "một bi" của anh Tâm và anh Nam cũng là nỗi khổ chung của một số mày râu chẳng may chỉ có một bên tinh hoàn. Ở nam giới, việc không có hoặc mất đi tinh hoàn là một chấn thương thể chất và tinh thần nặng nề. Một số người chỉ có một tinh hoàn vì nhiều lý do như: bẩm sinh chỉ có một tinh hoàn, tinh hoàn bị teo một bên, chấn thương, phẫu thuật cắt bỏ một tinh hoàn (do hoại tử, do viêm mủ, do xoắn, tinh hoàn ẩn, ung thư…), hoặc do không có tinh hoàn nào trong bìu. Một số bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn muộn còn phải cắt bỏ cả hai tinh hoàn. Mong muốn của các mày râu bị khiếm khuyết này là mong có được đầy đủ "cả hai bên" để phục hồi bản lĩnh đàn ông. Hiện nay có một số loại tinh hoàn nhân tạo, được phẫu thuật đặt vào bìu cho những bệnh nhân thiếu một hay hai tinh hoàn với mục đích thẩm mỹ và giúp họ ổn định tâm lý. Thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam Học của Bệnh viện Bình Dân cho biết: "Tôi gặp rất nhiều trường hợp tìm đến bệnh viện vì không phải vì bệnh đàn ông mà đến để tìm cách "bổ sung bi giả", làm đẹp bộ phận đàn ông thiếu sót".
Sau khi tìm đến khoa Nam học của bệnh viện Bình Dân và thực hiện đặt tinh hoàn giả. Anh Tâm và Nam đã được tư vấn kỹ càng về phương pháp đặt tinh hoàn giả bằng silicon.
Tinh hoàn nhân tạo bằng silicon được đặt vào bìu của bệnh nhân (ảnh: Bệnh viện Bình Dân) |
Một tháng sau ngày phẫu thuật, anh Tâm quay lại khoa Nam Học để tái khám. Khi được hỏi về cảm giác khi đã có lại "súng đạn đầy đủ", anh Tâm đã chia sẻ: "Bây giờ em đã biết thế nào là đi mát-xa, mục đích ban đầu khi em làm bi đã được thực hiện được và mấy bạn mát-xa cũng không phát hiện được của em là đồ giả. Giờ em tự tin hơn rất nhiều nếu lỡ phải đi vệ sinh cùng các đồng nghiệp nam".
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo tương đối đơn giản, người bệnh có thể về liền trong ngày hoặc chỉ cần nằm viện một ngày. Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bẹn hoặc bìu, tạo một túi vừa đủ chỗ cho tinh hoàn nhân tạo nằm, sau đó đặt tinh hoàn mới vào rồi khâu lại. Tinh hoàn nhân tạo được làm bằng chất liệu đặc biệt, không gây phản ứng thải loại, có nhiều kích thước khác nhau và tương đối mềm nên khi sờ vào giống như tinh hoàn thật.
Trung bình mỗi tháng, đơn vị Nam học Bệnh viện Bình Dân T P.HCM, đã thực hiện 3-5 ca phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo cho các bệnh nhân. Tinh hoàn nhân tạo, làm bằng chất liệu đặc biệt, không gây phản ứng thải loại, có nhiều kích thước khác nhau, giá khoảng 6-8 triệu/lần phẫu thuật.
Hải Nam
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)