Cho trẻ đi bơi có bị lây tay chân miệng?

Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 09:00, 30/11/2014

Hiện nay đã có không ít những thắc mắc về bệnh tay chân miệng đến hộp email:suckhoemtg@gmail.com.  Số ca bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng đột biến trong tháng 10 vừa qua với số lượng 1.235 trường hợp, tăng 59% so với năm 2013.  Mời bạn đến với phần trả lời của Bác sĩ CKI Vũ Quang Vinh, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc cho các thắc mắc của bạn đọc về bệnh tay chân miệng ở trẻ gửi đến từ ngày 15/11-30/11/2014.
Câu hỏi: Thưa bác sĩ, con tôi năm nay 3 tuổi, bé chưa đi học mà chỉ ở nhà nhưng không hiểu sao lại bị sốt, nổi các nốt bóng nước và đi khám bác sĩ bảo bị tay chân miệng. Tôi không hiểu nguyên nhân tại sao và ông xã cho biết có thể con tôi bị lây tay chân miệng từ nước hồ bơi do cách đây một tuần anh có dắt bé đi bơi. Như vậy có đúng không bác sĩ, nếu bị lây tay chân miệng một lần rồi thì lần sau liệu bé có khả năng bị lại không?
(Huỳnh Lam, Q. Tân Phú, TP. HCM)

Bác sĩ Quang Vinh: Bệnh TCM lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Trẻ bệnh tiết virus ra môi trường bên ngoài qua nước bọt, phân hoặc bóng nước trên da. Sự lây nhiễm cho trẻ khác có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ vật và đặc biệt là người chăm sóc bé. Một số trường hợp trẻ trẻ chỉ vài tháng tuổi, không đi ra khỏi nhà nhưng vẫn bị nhiễm bệnh do người thân có tiếp xúc với dịch tiết trẻ bệnh nhưng không rửa tay khi chế biến đồ ăn và khi chăm sóc cho bé.

Những nơi tập trung nhiều trẻ như nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi, hồ bơi là môi trường thuận lợi cho bệnh tay chân miệng lây lan. Nước hồ bơi có chứa dung dịch sát khuẩn nhưng vẫn không loại trừ được hoàn toàn khả năng lây nhiễm. Ngoài ra việc dùng chung phao bơi, bàn ghế, nhà vệ sinh làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Như vậy trường hợp của con bạn có thể bị lây trong khi đi hồ bơi hoặc qua việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé. Do bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus khác nhau gây ra nên bé bị bệnh tay chân miệng rồi vẫn có thể bị mắc bệnh lần nữa. Để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác bạn nên hạn chế cho bé đến những nơi tập trung đông người, nhất là vào các mùa dịch. Đảm bảo vệ sinh trong chế biến đồ ăn cho bé và rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bé.

tay chan mieng
Câu hỏi: Thưa bác sĩ, con tôi bị tay chân miệng và bị nổi rất nhiều vết bóng nước, lở ở trong miệng. Bé không chịu ăn mặc dù tôi đã xay nhuyễn thức ăn để bé hạn chế nhai, dẫn đến đau miệng, nhưng bé vẫn sợ ăn. Việc ăn uống rất khó khăn nên việc vệ sinh răng miệng cho bé lại càng khó hơn. Mong bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc để bé đỡ đau. Chân thành cảm ơn.
(kaka211@gmail.com)

Bác Sĩ Quang Vinh: Trẻ bị tay chân miệng thường có sang thương dạng bóng nước hoặc vết loét đỏ ở niêm mạc miệng, lưỡi, nướu gây đau miệng, bỏ ăn bú và chảy nước miếng. Trẻ sợ nói chuyện, sợ ăn uống, ngậm chặt miệng tạo điều kiện cho các vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí phát triển làm miệng có mùi hôi, lưỡi dơ. Ngay cả việc uống thuốc cũng hết sức khó khăn. Buổi tối trẻ ngủ không ngon, hay quấy khóc vì đau.

Những vết loét trong miệng thường làm cho trẻ đau đớn, bỏ ăn bú. Phụ huynh không nên quá lo lắng, đi sưu tầm các món ăn bổ dưỡng. Thời gian trẻ đang bệnh chúng ta nên cho ăn các thức ăn mịn, mềm, lỏng và dễ tiêu. Ưu tiên các thức ăn mà ngày thường trẻ thích. Tránh các thức ăn nóng, mặn, cay, chứa nhiều gia vị. Nên để thức ăn nhiệt độ hơi mát để giảm đau đớn cho trẻ khi ăn. Khuyển khích trẻ uống nhiều nước, nhất là nước trái cây có chứa nhiều vitamin giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Trong thời gian cho trẻ ăn, việc trò chuyện với trẻ có thể làm đau dịu bớt.
Rất may là giai đoạn này không kéo dài. Trẻ chỉ bị đau từ vài ngày đến 1 tuần, sau đó sẽ ăn trở lại binh thường. Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ làm cải thiện tình trạng của trẻ, giúp trẻ ăn uống, sinh hoạt tốt hơn. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ uống nhiều nước, cho trẻ súc miệng hoặc rơ miệng bằng nước muối sinh lý được pha sẵn.

tay chan mieng
Trẻ có thể sẽ rất sợ ăn khi bi tay chân miệng

Không sử dụng các thuốc rơ miệng không rõ nguồn gốc để tránh làm tổn hại cho trẻ. Sau vài ngày các sang thương sẽ lành và trẻ sẽ ăn uống tốt hơn. Trong một số trường hợp bé đau quá, khi đưa bé đi khám, bạn có thể nhờ bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau cho con.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, gần đây trên một số diễn đàn các mẹ chia sẻ với nhau về việc dùng dầu mù u, dầu dừa, mật ong để thoa lên các vết thương do tay chân miệng gây ra để giúp mau nhanh lành, liền sẹo. Liệu điều này có đúng hay không?
(bocumoc@yahoo....)
Bác Sĩ Quang Vinh: Hiện nay trên các diễn đàn cho cha mẹ có chia sẻ một số kinh nghiệm sử dụng trà thảo mộc, chanh muối, ô mai, bạc hà, húng quế, dầu dừa… để hỗ trợ điều trị bệnh TCM. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa có đủ dữ liệu tin cậy về tính hiệu quả và độ an toàn của các phương tiện này. Phụ huynh nên tránh sử dụng cho đến khi có khuyến cáo chính thức từ các chuyên gia.
Câu hỏi: Thưa bác sĩ khi trẻ bị tay chân miệng có nên cho bé nằm máy lạnh? Tôi thấy cháu bị sốt và nhiệt độ ngoài trời thì quá nóng, nhất là vào buổi trưa nên muốn bật máy lạnh để cháu đỡ bức rức, nhưng nghe nhiều người nói là bệnh này cần phải tránh gió. Vậy phải làm sao?
(Khiết Lam, Bình Dương)

Bác sĩ Quang Vinh: Nước ta có khí hậu nóng ẩm, có những ngày hết sức oi bức. Sử dụng máy lạnh hợp lý khi thời tiết nóng nực mang lại sự thoải mái cho trẻ, nhất là khi trẻ đang bệnh. Chúng tôi có một khuyến cáo khi sử dụng máy lạnh:

Chỉ sử dụng khi thời tiết nóng bức, làm trẻ mệt mỏi, khó chịu. Nếu trời mát thì nên mở cửa để phòng được thông thoáng và đầy đủ ánh sáng.

- Nhiệt độ phòng không nên quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời, thường đặt ở mức 26-28 độ C là tối ưu.

- Không mở liên tục 24/24, mỗi 4 giờ nên mở cửa để thông gió khoảng 5-10 phút. Không cho trẻ ra vào phòng liên tục trong khi dùng máy lạnh để tránh sự chênh lệch nhiệt độ.

- Trong thời gian nằm máy lạnh cần cho trẻ uống nhiều nước hơn và nhỏ mũi với nước muối sinh lý để tránh khô đường hô hấp. Có thể sử dụng thêm máy tạo độ ẩm để không khí bớt khô.

- Vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh định kỳ để tránh nhiễm khuẩn.

Trẻ bị tay chân miệng giai đoạn đầu có thể kèm theo sốt. Khi trẻ đang sốt cao không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh để tránh việc trẻ bị run. Khi trẻ hạ sốt thường ra nhiều mồ hôi. Nếu để tiếp xúc nhiều gió lạnh trẻ có thể bị hạ thân nhiệt và có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm amiđan, viêm phế quản…

Câu hỏi: Con tôi bị tay chân miệng và nổi các vết đỏ hai ngày nay, tôi muốn tắm cho bé nhưng bà ngoại nói rằng không nên tắm mà chỉ cần lau người bằng nước ấm vì cho rằng khi trẻ bị tay chân miệng không nên tắm để tránh làm vỡ các nốt phòng ban gây sẹo. Liệu tôi có nên làm như vậy? Mong bác sĩ tư vấn.
(...thanhthuy1982@gmail.com)
Bác Sĩ Quang Vinh:

Trẻ bị tay chân miệng sau đợt sốt thường mồ hôi nhiều. Bạn nên tắm rửa cho trẻ với nước ấm và xà phòng để giữ gìn vệ sinh thân thể, giúp hạn chế rôm sảy và nhiễm trùng da. Khi tắm rửa cho trẻ phải nhẹ nhàng để tránh những tổn thương không cần thiết. Trong thực tế thì ít khi mụn nước bị bể khi chúng ta chăm sóc đúng cách.

tay chan mieng
Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm để giữ vệ sinh cơ thể tránh những vết loét bị nhiễm trùng

Trong trường hợp mục nước bị bể thì phải vệ sinh bằng nước sạch với xà bông hoặc nước muối sinh lý. Sau đó thoa thuốc sát khuẩn như Milian, Fucidin… để tránh nhiễm trùng. Những nốt hồng ban, bóng nước thường không gây ngứa, sau một thời gian sẽ khô đi, thâm lại và không để lại sẹo.

Câu hỏi: Con tôi vừa điều trị hết tay chân miệng cả tuần nay rồi nhưng tôi vẫn chưa dám cho cháu đi học trở lại vì sợ tái phát bệnh, vật dụng trong trường có thể vẫn còn vi rút tay chân miệng. Vậy bao lâu thì tôi nên cho cháu đi học trở lại? Và làm sao để phòng bệnh quay trở lại?
(H.T. Thủy, Q.4, TP. HCM)

Bác sĩ Quang Vinh: Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, bạn cần vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân, đồ chơi của bé bằng cách phơi, rửa sạch với xà phòng sát khuẩn, và khử trùng trong 10 phút bằng dung dịch Chloramin B 2% (20g trong một lít nước) hoặc với nước Javel 0,5% (pha một phần Javel với 9 phần nước) và đem phơi khô.
tay chan mieng
Rửa tay thường xuyên là cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

Người lớn chăm sóc bé cũng nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn nhanh trước và sau khi tiếp xúc với trẻ (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

Thường xuyên lau rửa sàn nhà, các khu vực sinh hoạt của trẻ với các dung dịch khử khuẩn nêu trên. Với một số phụ huynh, nếu phát hiện con mình bị tay chân miệng thì nên báo với nhà trường để kịp thời vệ sinh lớp học và các vật dụng khác nhằm phòng tránh lây lan cho trẻ khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10-14 ngày, không cho đến nhà trẻ, trường học, khu vui chơi để tránh lây lan cho trẻ khác. Nếu con bạn đã khỏi bệnh hơn 1 tuần (tức là hơn 10-14 ngày tính từ khi bắt đầu bệnh) và bé đang hoàn toàn khỏe mạnh thì có thể cho trở lại trường học.

Mời bạn đọc tiếp tục gửi câu hỏi để được tư vấn miễn phí:

Nếu có thắc mắc các vấn đề về sức khỏe, mời bạn gửi câu hỏi đến chuyên mục Tư vấn sức khỏe của báo Điện tử Một Thế Giới vào địa chỉ email: suckhoemtg@gmail.com. Thắc mắc của bạn sẽ được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, nhi, tim mạch, ung bướu, mạch máu, thần kinh, tim mạch, nam khoa, sản phụ khoa, tâm lý... giải đáp.

MTG