Cảm động người mẹ hi sinh đôi mắt để sinh con
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 14:03, 29/01/2015
Các bác sĩ và gia đình khuyên chị: bỏ thai trong bụng để chữa bệnh và cứu đôi mắt nhưng chị khước từ. Chị giữ con và quyết tâm sinh bé Nguyễn Hoàng Cẩm Tú ở tháng thứ 8. Khi con ra đời cũng chính là lúc đôi mắt người mẹ trẻ ấy mất đi đôi mắt sáng. Ao ước được nhìn thấy mặt con 1 lần với chị dường như chưa bao giờ tắt.
Hi sinh đôi mắt để sinh con
Những ngày ở viện ngoại trú, tiền bạc gom góp cũng cạn kiệt, chị xin bệnh viện về nhà tự uống thuốc và điều trị. Trở về nhà được 1 tuần mặt và răng chị tê dại không cảm giác. Khi thai được 6 tháng một bên mắt chị mờ dần nhìn không rõ mọi thứ. Chị quờ quạng trong bóng tối và chịu đựng bệnh tật với những đau đớn tột cùng.
Những ngày tháng ấy với chị khó khăn hơn bao giờ hết. Vừa chiến đấu với bệnh tật vừa mang bầu hạnh phúc và đớn đau với chị như hòa vào làm một. Có những chiều chị cứ lẩn thẩn lang thang khắp ngõ rồi chỉ biết gục mặt cạnh tường vật vã khóc. Chị khóc trong đau đớn và khóc cả trong sự bất lực đến dại người. Nhìn chị hoảng loạn, làng xóm vẫn chép miệng: “Sao mà dại thế, cơ hội sinh con thì vô vàn sao lại chịu đựng như thế này”. Những ngày lóc cóc đưa vợ đến viện K thăm khám, anh vẫn ngập ngừng bảo chị: Hay là mình bỏ con rồi điều trị cho mẹ chứ như thế này khổ quá.
Trong giây phút ấy, chị đã có lúc giận anh và giận thêm cả người thân khi khuyên chị dứt ruột bỏ con để giữ mạng sống. Chị nói với anh: Chị thà chết chứ không nhẫn tâm bỏ giọt máu của mình đang từng ngày lớn lên trong bụng mẹ. Trước sau vẫn thế chưa bao giờ trong suy nghĩ chị cảm thấy hối hận vì quyết định của mình.
Ung thư di căn đến mắt mọi điều trị bằng hóa chất không có giá trị khi chị giữ thai. Hàng ngày chị vẫn cần mẫn hỏi thêm những bài thuốc dân gian để cố gắng bảo vệ con đến ngày vượt cạn.
Thai đến tháng thứ 8, mắt còn lại của chị mờ đục. Mọi sinh hoạt phải nhờ người thân trợ giúp. Chị nhập viện và quyết định mổ sinh con non 1 tháng. Ngày chị lên bàn mổ cũng là ngày đôi mắt chị vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Khoảnh khắc ấy chị chỉ biết bám chặt lấy anh trong phòng sinh và gào khóc trong tuyệt vọng: “Em không nhìn thấy mặt con nữa rồi”. Giây phút nghe tiếng con khóc chị hỏi anh dồn dập trong giụa giàn nước mắt: “Anh ơi con mình có xinh không? Có khỏe không? Có giống em không”. Cả gia đình đứng vây quanh chị nhìn chị lần sờ lên khuôn mặt đứa con gái mới chào đời mà nghẹn ngào cùng khóc.
Trước khi chị sinh, các bác sĩ vẫn nói: cả gia đình chuẩn bị tâm lý vì nhiều trường hợp như chị chỉ cứu được con. Thế nhưng tình mẫu tử thiêng liêng như cho chị phép màu cứu sống chị. Chị vẫn tỉnh táo và chuyện trò bình thường. Đứa trẻ từ người mẹ ấy cũng sinh ra khỏe mạnh đến kì diệu. Chị bảo: Hạnh phúc lúc ấy lớn hơn đớn đau, con đã làm chị quên đi tất cả. Chị đặt tên con là Nguyễn Hoàng Cẩm Tú. Nó là loài hoa biểu tượng cho sự tri ân và lòng biết ơn vô bờ bến. Chị hy vọng sau này con lớn lên khi mẹ không còn nữa, con sẽ nhớ về mẹ nhiều hơn mỗi khi ai gọi tên này.
Ước mong được nhìn mặt con một lần
Bé Cẩm Tú đã được gần 1 tuổi. Gần một năm qua là những tháng ngày chị sống trong hạnh phúc xen lẫn với những trăn trở, ước ao. Chị vẫn ước ao có một lần được nhìn thấy mặt con và tự chăm con như bao người mẹ bình thường khác. Hôm cả nhà đi vắng, chị gái chị đi chợ đặt bé Tú nằm ngủ ngoài giường. Con tỉnh dậy úa oang khóc vang nhà. Chị cuống cuồng vịn vào những mép tường để ôm con. Con khóc, chị khóc. Giây phút ấy chị hạnh phúc nghẹn ngào nhưng sự bất lực dâng lên đến nghẹt thở.
Từ khi làm mẹ chị chưa từng một lần được tự tay cho con ăn và bú mớm. Ngày chúng tôi đến thăm gia đình chị, chị vẫn ngồi cạnh đứa con nhỏ lần sờ lên gương mặt con rồi lẩm bẩm: “Chẳng biết mặt mũi con như thế nào?” Chị vẫn nhờ người thân miêu tả hình ảnh của con rồi tưởng tượng. Chị hình dung ra con cả trong những giấc ngủ chập chờn.