Những kẻ trộm đồ lót phụ nữ, nên xử lý thế nào?
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 16:25, 30/03/2015
Thật ra chuyện này không hiếm. Cách đây hơn 1 năm, công an TP.HCM bắt giữ Đinh Hoài Phong (SN 1981, Quận 8, TP.HCM) vì anh này nhiều lần lấy trộm đồ lót của phụ nữ xóm trọ. Thời gian đó, rất nhiều phụ nữ xóm trọ ở đây kháo nhau vì bị rình mò khi tắm và đặc biệt, rất nhiều người mất quần lót khi phơi ở sân chung. Đa số, các quần lót bị mất thường là của phụ nữ rất sặc sỡ, mới, đẹp, có hoa văn. Trong khi đó, quần lót một màu hay quần lót nam không hề bị lấy cắp.
Mãi sau này, Phong mới bị bắt khi đang hành sự. Khi bị giải về đồn, kiểm tra điện thoại của Phong, công an phát hiện nhiều clip quay cảnh Phong lấy hàng chục quần lót của chị em phụ nữ đủ các màu sắc trưng ra nền nhà rồi mặc đi mặc lại, ngắm nghía chúng. Lục soát nhà trọ nơi Phong cùng vợ sinh sống, công an lôi ra được 18 quần lót sặc sỡ của phụ nữ để chung trong tủ đồ của vợ. Khi hỏi tại sao lại lấy trộm đồ lót nữ, Phong khai “Thích mặc đồ đó vì nó mát mẻ và… sướng”.
Hay cách đây chưa lâu, ở một khu tập thể tại Hà Nội thường xuyên bị trộm đồ, nhưng không phải quần áo đắt tiền mà toàn là đồ lót của chị em. Thủ phạm hóa ra lại là một người đàn ông đã luống tuổi. Chính anh con trai là người phát hiện ra bố mình chuyên trộm đồ chị em và đưa đến gặp bác sĩ tâm lý. Người con trai thấy bố có cái tủ lúc nào cũng khóa chặt, giữa khư khư như của quý, ai mon men đến gần là ông nổi đóa lên.
Mấy lần thấy thấy bố cứ lúi húi trong bóng tối, đèn mập mờ, ngồi cạnh tủ nhưng hễ thấy người khác bước vào là ông lại đóng sập cửa tủ lại. Một lần nhân lúc cụ đi vắng, anh đã cậy khóa, mở ra thì thấy toàn là đồ của phụ nữ. Anh không dám hé răng nói với ai vì sợ bố xấu hổ mà chỉ khuyên nhủ và đưa bố đến gặp bác sĩ tâm lý.
Giải đáp về hiện tượng thích sử hữu quần lót của người khác giới, chuyên gia các bệnh nam học Nguyễn Hoài Bắc cho biết đây là bệnh lý trong nhóm bệnh loạn dâm – nghĩa là những ham muốn, thôi thúc được thỏa mãn nhu cầu tình dục theo những cách khác thường. Nguyên nhân của bệnh này rất phức tạp. Hành động của người mắc đôi khi nằm ngoài ý muốn của bản thân và điều trị chứng loạn dâm vẫn là việc vô cùng khó cho cả thầy thuốc tâm lý cũng như tình dục học.
Với các triệu chứng như trên, ông Bắc cho biết các bệnh nhân thuộc nhóm “Loạn dâm đồ vật”: là sở thích sử dụng các đồ vật vô tri vô giác làm phương tiện kích thích để đạt khoái cảm và sau đó là tự thỏa mãn. Người loạn dâm đồ vật thường mua và tàng trữ rất nhiều loại quần áo của phụ nữ hoặc ăn trộm đồ của những người mà họ thần tượng.
Thạc sĩ Trịnh Ngọc Tuân, trưởng phòng T5, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Những trường hợp này ở nước ngoài không thiếu, nhưng trong nước chúng tôi ít gặp. Tuy nhiên điều đó cũng không thể nói lên rằng số bệnh nhân này có nhiều hay ít, vì họ thường hết sức kín đáo, ngay cả người thân cũng ít khi nhận ra”, bác sĩ Tuân nói.
N.Vy (TH)