Những lời của bố mẹ “giết chết” con
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 10:00, 26/06/2015
Cuộc sống hàng ngày cho thấy, rất nhiều bố mẹ hay mắng con khi con phạm lỗi. Có những lời nhẹ nhàng, cũng có những câu trách móc nặng nề, thậm chí là nhục mạ và xúc phạm con. Những câu nói tuôn ra trong lúc nóng giận, không kịp suy nghĩ ấy đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Một trong số dẫn chứng đó là, chỉ vì bị mẹ mắng đêm chỉ lo chơi điện tử, sáng dậy muộn mà một học sinh giỏi lớp 7 - em Dương Võ Q.T (13 tuổi, học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ) đã treo cổ tự tử vào tháng 3/2012.
Trường hợp khác, chỉ vì không đỗ đại học, cô bé T. ở Hưng Yên bị cha mẹ mắng nhiếc rằng: “Nhục nhã quá, cũng cơm ấy, gạo ấy, con người ta thi đâu đỗ đấy. Đằng này chỉ giỏi đua đòi, ăn diện. Không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa”. Xấu hổ, buồn chán, quẫn trí, cô bé đã dại dột uống thuốc ngủ tự tử. May mà gia đình kịp phát hiện ra, cứu được mạng sống của cô bé.
Nhiều người quan niệm rằng, cha mẹ mắng chửi, thóa mạ con là không yêu con, trình độ hiểu biết thấp. Điều này không đúng. Ai cũng kỳ vọng con mình ngoan, thông minh, mỗi ngày đi học về đều có điểm 10 đỏ chót nhưng không phải đứa trẻ nào cũng hoàn hảo như vậy.
Rất nhiều cha mẹ có học vấn, yêu thương con nhưng vì áp lực công việc hàng ngày mà “giận cá chém thớt”, buông những lời phản cảm khiến con tủi thân, uất ức và có thể dẫn đến những hành động tiêu cực, dại dột..
Dưới đây là một số câu nói phản cảm "bất hủ" chúng ta thường gặp. Các bố mẹ cần “đoạn tuyệt” ngay những câu đại loại như này nếu như không muốn rời xa con mình:
- Đồ ăn hại
- Sao mày ngu thế, dốt thế. Tao có để mày thiếu thốn cái gì đâu
- Con/Mày lười quá! Chẳng chịu học hành, chỉ mải chơi
- Sao con hậu đậu thế
- Con làm xấu mặt bố/mẹ, đúng là của nợ
- Con không có ý thức gì cả! Phòng con bẩn như chuồng lợn ấy
- Con không bao giờ chịu nghe lời cả!
- Óc mày óc người hay óc lợn hả con?
- Con gái mà ở bẩn như hủi ấy, sau này ai rước
- Học dốt như lợn thì sau này chỉ có mà ăn đất thôi
- Đồ ăn hại, chỉ biết ăn với phá thôi, không được tích sự gì
- Mày muốn giết mẹ/bố mày hả con?
- Học dốt thế này thì nhịn cơm, cho ăn cho phí cơm ra
- Con gái con đứa nứt mắt ra học không lo học đã đua đòi đi chơi, không biết giữ mình có ngày ễnh bụng ra đấy thì nhục
- Trời ơi sao mày ngu thế!
- Mày ăn phải cái gì mà mày dốt không để cho ai dốt với
- Câm miệng; Câm ngay
- Tập trung vào đây, nhìn vào chữ
- Con với chả cái, càng lớn càng hư, không coi bố mẹ ra gì.
- Mày cứ chơi với cái lũ mất dạy ấy đi rồi sau này không ra gì thì đừng có trách bố mẹ không nói trước.
Điều đặc biệt cần lưu ý là, bố mẹ nên hoàn toàn tránh việc mắng mỏ con trước mặt khách, bạn bè, thầy cô, chốn đông người.... Hành động này khiến bé cảm thấy xấu hổ, “mất mặt” và tổn thương, trở nên tự ti với bản thân mình. Bố mẹ nên từ bỏ kiểu nhận xét “chụp mũ” kiểu như: “Con bị điểm kém là do lười chảy thây, không cố gắng” mà hãy cho con cơ hội được giãi bày, giải thích.
Một điều rất quan trọng mà bố mẹ cần ghi nhớ, đó là chỉ nên mắng con trong vòng một phút. Nếu dai dẳng nói đi nói lại nhiều lần, con sẽ không muốn nghe nữa. Bị mắng một hoặc hai lần, thì con sẽ nhận ra mình sai, cảm thấy hối hận và muốn thay đổi. Nhưng nếu hở một tý bố mẹ lại lôi lỗi lầm cũ của con ra mắng mỏ, con sẽ cho rằng bố mẹ chỉ đang ghét mình mà thôi.
Bị la mắng nhiều, con sẽ mất dần sự tự tin, thu mình lại trong vỏ ốc, hay nói dối và luôn sợ sệt, chống đối. Bố mẹ chỉ nên mắng con khi con phạm phải những lỗi lầm thật sự như: Đánh lại người thân, bắt nạt bạn bè. Nghĩ mình là "ông vua" trong nhà, mặc nhiên mè nheo, mặc nhiên hờn dỗi, khi con lén lấy đồ của người khác.
Bên cạnh đó, bạn hãy nói những điều tích cực với con. Thay vì nói "Không, không được"; "Cấm"; "Đừng", bạn hãy cố gắng trả lời "Có" nhiều hơn. Ví dụ như, con bạn muốn ăn kem, thay vì nói "không, trừ khi con ăn kem/làm xong bài tập". bạn hãy nói: "Được chứ, con sẽ ăn kem ngay khi ăn cơm/làm bài tập xong nhé".