Bác sĩ Nhật Bản: Sữa không đủ để giúp con phát triển chiều cao
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 12:17, 04/09/2015
Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ Nukata Osamu - bác sĩ chuyên khoa nhi bệnh viện Nukata về những yếu tố để phát triển chiều cao cho trẻ.
Những thắc mắc và ngộ nhận về phát triển chiều cao
Chỉ cần uống sữa là sẽ tăng chiều cao?
Cơ thể chúng ta cao lên là nhờ xương chúng ta dài ra. Và dinh dưỡng giúp xương chúng ta dài ra lại là chất đạm-protein, còn canxi là dinh dưỡng giúp cho xương chắc khỏe. Chất đạm được ví như là bộ khung sắt thép, còn canxi chính là bê tông để tạo lên một ngôi nhà vững chắc. Vì thế nếu chỉ dựa vào sữa thì chưa đủ để giúp trẻ cao lên.
Di truyền là yếu tố quyết định chiều cao?
Đúng là chiều cao của trẻ sẽ di truyền một phần từ cha mẹ. Nhưng chính các yếu tố dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày mới là yếu tố quyết định chiều cao của trẻ. Có thể dự đoán chiều cao của con bạn theo công thức dưới đây:
Chiều cao (con trai) = (chiều cao của bố chiều cao mẹ +13) α
Chiều cao (con gái) = (chiều cao của bố chiều cao mẹ -13) α
Như vậy, chiều cao của con bạn sẽ tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố plus alpha, mà yếu tố này sẽ được cải thiện thông qua thói quen sinh hoạt đúng đắn.
Trẻ đang lớn nhanh trong khi ngủ?
Yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ chính là “hormone tăng trưởng”, mà hormone này sẽ được tiết ra trong giấc ngủ, đặc biệt là khoảng thời gian từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Khi trẻ ngủ là trẻ đang lớn, đó chính là lí do vì sao cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen ngủ sớm trước 10 giờ đêm.
Đu xà giúp tăng chiều cao?
Có nhiều người nói rằng sau một thời gian đu xà thấy mình cao lên vài cm. Thực chất đó là do cơ giữa các xương giãn ra. Muốn trẻ tăng chiều cao thì vận động thích hợp là yếu tố vô cùng quan trọng. Vì vận động sẽ giúp cho “hormone tăng trưởng” sản sinh nhiều hơn do có giấc ngủ ngon, đồng thời giúp trẻ ăn ngon miệng hơn thì sẽ hấp thu được nhiều dinh dưỡng cần thiết để tăng chiều cao. Tất cả các yếu tố kể trên đó sẽ tạo thành vòng tuần hoàn tốt nếu như trẻ được vận động đầy đủ và thích hợp.
Đến bao nhiêu tuổi thì hết cao?
Nếu như trẻ dậy thì muộn thì thời kỳ tăng chiều cao ở tuổi thiếu nhi sẽ dài hơn so với những trẻ dậy thì sớm nên trẻ sẽ cao hơn. Dậy thì sớm quá khiến cơ thể chưa kịp cao đã dần đến giai đoạn người trưởng thành khiến chiều cao rất khó tăng lên. Trẻ em tầm 10, 11 tuổi sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, vì thế việc giúp trẻ tăng chiều cao thông qua thói quen sinh hoạt, vận động và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trước tầm tuổi đó sẽ quyết định đến chiều cao của trẻ sau này.
Làm gì để con cao lớn hơn?
Dinh dưỡng và thói quen ăn uống tốt
Bữa ăn như thế nào sẽ giúp con bạn tăng chiều cao? Như đã nói ở trên, chất đạm là yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ cao lên. Trẻ tầm 1-5 tuổi cần từ 35-45g, 6-8 tuổi sẽ cần khoảng 55-60g, và 9-11 tuổi sẽ cần 65-75g chất đạm mỗi ngày. Bữa ăn cần nhiều chất đạm nhưng ít chất béo, ít năng lượng. Cá và thịt chính là nguồn thực phẩm giàu chất đạm. Với thịt heo và thịt bò thì thịt đùi, vai, mông sẽ nhiều chất đạm và ít mỡ. Thịt gà sẽ giàu chất đạm mà ít chất béo hơn so với thịt heo nên rất tốt cho trẻ nhỏ.
Có rất nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai, đậu hũ, tôm, tảo biển, các loại cá da xanh, các loại rau như rau cải xanh, củ cải. Cách tốt nhất giúp cơ thể hấp thu tốt canxi chính là bổ sung kèm với kẽm, magie, rất giàu trong các thực phẩm như tôm, cua, lươn, thịt đùi heo, hạt hạnh nhân, các hạt đậu, chuối. Đừng để trẻ ăn đồ hộp hay những thức ăn có nhiều chất bảo quản sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
Một vài mẹo nhỏ sau có thể giúp bé tránh được tình trạng béo phì mà vẫn tăng chiều cao đó là lập bảng theo dõi chiều cao, cân nặng; khi ăn nhai thật kỹ; sau bữa ăn giúp ba mẹ dọn dẹp; hạn chế uống nước hoa quả, nước ngọt; hạn chế ăn đồ bánh kẹo, snack…
Ngoài ra, hãy chú trọng đến dinh dưỡng cho bữa sáng và bữa trưa để cung cấp đủ năng lượng cho một ngày vận động. Thời điểm 3 giờ chiều là lúc trẻ rất đói nên việc bổ sung bữa ăn phụ đầy đủ dinh dưỡng thay vì dựa quá nhiều vào bánh, kẹo.
Ăn ít là kẻ thù của chiều cao!
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ ăn ít:
✦ Vận động quá ít, hoặc quá nhiều
✦ Buồn ngủ lúc bước vào bữa tối
✦ Ăn nhiều bánh kẹo
✦ Dựa quá nhiều vào sữa
✦ Chế độ ăn uống không cân bằng, quá kén chọn
✦ Vị giác có vấn đề
✦ Không tập trung khi ăn (mải chơi, xem tivi, đọc sách). Ham muốn ăn uống chỉ đến trong 15 phút đầu của bữa ăn nên kéo dài quá lâu sẽ không tốt.
✦ Mọi người trong gia đình ăn quá nhanh
✦ Bài tiết, đại tiện không có quy tắc
✦ Khi bụng đói mà không có gì ăn.
Thói quen sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định chiều cao của con bạn
Hãy tạo cho con thói quen ngủ sớm, dậy sớm và ngủ đủ giấc: Cho đến tuổi dậy thì thì trẻ nên ngủ khoảng 10 tiếng mỗi ngày, đồng thời giúp trẻ có được giấc ngủ sâu và êm. Không để trẻ ăn khuya trước khi ngủ vì sẽ điều đó sẽ ngăn cản quá trình tiết hormone tăng trưởng, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.
Cho trẻ vận động đầy đủ, thích hợp với những môn thể thao nhẹ nhàng hoặc thường xuyên cho trẻ ra ngoài chơi, đi dạo.
Cuối cùng, mặc dù dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ rất quan trọng, nhưng hơn tất cả chính là “vitamin yêu” của mẹ, bữa cơm ấm cúng bên gia đình, không khí gia đình hòa thuận mới là chất xúc tác lớn lao giúp trẻ tăng chiều cao, vì thiếu vitamin này thì 3 yếu tố kia sẽ không phát huy hiệu quả vai trò của mình được.
Theo afamily