9 mẹo chăm sóc răng cho trẻ sơ sinh

Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 21:04, 11/10/2019

Giai đoạn sơ sinh chính là lúc trẻ bắt đầu mọc răng. Chăm sóc răng trẻ trong thời gian này sẽ bảo vệ nướu và những chiếc răng vĩnh cửu của trẻ về sau.
Hãy chăm sóc răng cho trẻ ngay từ sớm - Ảnh minh họa

Giữ vệ sinh miệng cho trẻ trước thời kỳ mọc răng

Sau mỗi bữa ăn, cha mẹ có thể dùng khăn ướt ấm hoặc miếng gạc ẩm quấn quanh ngón tay để vệ sinh nướu của trẻ. Nếu kỹ hơn, có thể dùng đồ bọc ngón tay làm bằng cao su mềm để rửa sạch thức ăn thừa trong miệng trẻ.

Nhanh chóng chăm sóc răng cho trẻ khi chúng vừa bắt đầu mọc

Nhiều bậc cha mẹ hay xem nhẹ việc chăm sóc răng sữa của trẻ vì nghĩ rằng sớm muộn chúng sẽ bị những chiếc răng vĩnh cửu thay thế. Thực chất răng sữa có nhiệm vụ “giữ chỗ” cho răng vĩnh cửu mọc ở giai đoạn sau. Đồng thời, răng sữa còn giúp trẻ nhai thức ăn và tập nói. Nếu không được chăm sóc đúng cách, răng sữa có thể bị sâu, dẫn đến nhiễm trùng nướu (viêm nướu) và khiến răng vĩnh cửu mọc không đều.

Cần để ý những lổ sâu răng của trẻ - Ảnh minh họa

Để ý các lỗ sâu răng

Răng trẻ bị bạc màu và có xuất hiện vài lỗ nhỏ là những biểu hiệu đầu tiên của sâu răng. Nguyên nhân hầu hết là do cha mẹ hay có thói quen cho trẻ uống sữa (hoặc nước ép) trước khi ngủ.

Giảm bớt đường trong bữa ăn của trẻ

Trẻ sơ sinh nếu dùng đồ uống ngọt rất dễ có nguy cơ bị sâu răng. Thay vào đó, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống sữa mẹ, sữa dành cho trẻ sơ sinh hoặc nước sôi để nguội vào ban đêm hay trước giờ ngủ. Thực chất, trẻ sơ sinh có thể dùng thức uống ngọt (như nước ép) nhưng nên dùng với lượng rất ít, 150ml thức uống ngọt/ngày. Lưu ý, cha mẹ nên pha đồ uống ngọt với nước theo tỷ lệ 1:10 và chỉ cho trẻ uống vào bữa ăn. Trường hợp trẻ bị bệnh phải dùng thuốc, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để chọn loại thuốc không chứa đường.

Cho trẻ uống sữa, đặc biệt là sữa tươi nguyên kem

Sữa là nguồn dinh dưỡng giàu canxi giúp răng trẻ chắc và khỏe mạnh. Trẻ dưới 12 tháng tuổi nên dùng sữa mẹ hoặc sữa dành cho trẻ sơ sinh. Qua độ tuổi này, trẻ có thể dùng sữa tươi nguyên kem vì loại sữa này không có đường nên tránh được nguy cơ sâu răng. Trẻ trên hai tuổi nên hạn chế uống sữa chứa nhiều chất béo.

Sữa nguyên kem tốt cho răng trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa

Tránh để trẻ ngủ chung với bình sữa

Khoảng thời gian trẻ ngủ là lúc miệng trẻ tiết ra ít nước bọt. Lượng nước bọt ít sẽ khiến răng trẻ ít được bảo vệ. Nếu ngủ cạnh bình sữa, sữa trong bình có thể chảy vào miệng trẻ và gây nguy cơ sâu răng. Lưu ý, cho trẻ ngủ chung với bình sữa có thể khiến trẻ bị nghẹt thở.

Cai núm vú cho trẻ trên 12 tháng tuổi

Cho trẻ trên 12 tháng tuổi ngậm núm vú có thể khiến răng bị hở và ảnh hưởng xấu đến khả năng nói của trẻ về sau. Lúc còn dùng núm vú, cha mẹ nên hạn chế để trẻ gây tiếng động trong lúc trẻ mút, ngậm ngón cái hay vừa ngậm núm vú vừa nói chuyện. Tránh để núm vú dính phải đồ ngọt như đường, mật ong hoặc mứt.

Cho trẻ dùng bàn chải đánh răng

Thay vì dùng nước để vệ sinh miệng, nên cho trẻ 18 tháng tuổi dùng bàn chải đánh răng (loại thật mềm) để trẻ sớm làm quen với bàn chải. Các bậc cha mẹ có thể vệ sinh răng của trẻ bằng bàn chải hoặc soda carbonate, nếu trước đó trẻ ăn đồ ngọt hay thức ăn gây dính răng.

Lên kế hoạch cho trẻ khám nha khoa

Theo các bác sĩ nhi khoa, cha mẹ có thể đợi đến lúc trẻ được 3 tuổi để cho trẻ khám nha khoa lần đầu, với điều kiện trẻ phải thường xuyên được chăm sóc sức khỏe răng miệng đầy đủ lúc ở nhà. Tuy nhiên, Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ lại khuyên bậc cha mẹ nên cho trẻ khám nha sĩ lần đầu khi trẻ được 1 năm tuổi.

Thùy Như