Món ăn hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường không phải ai cũng biết

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 09:55, 20/12/2015

Trong dân gian có nhiều loại thực phẩm vừa được dùng làm các món ăn ngon vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Dưới đây là một vài món ăn thường được sử dụng. 
1. Củ cà rốt tươi vừa đủ, gạo tẻ 60g, nấu cháo ăn chia làm 2 buổi sáng và tối. Dùng cho những người bệnh đái tháo đường có triệu chứng ăn nhiều. Các nghiên cứu gần đây cho thấy trong củ cà rốt có chất insulin thực vật, có khả năng làm giảm 1/3 đường của máu.
2. Món ốc bung củ chuối (thành phần: ốc bươu hay ốc nhồi, thịt lợn ba chỉ, đậu phụ rán, củ chuối hột non, nghệ giã nhỏ vắt lấy nước, quả khế, cơm mẻ…). Dùng ốc ngâm trong nước gạo cho ra hết nhờn, rửa sạch, khều lấy đầu, bỏ ruột. Thịt lợn cắt mỏng. Ướp ốc và thịt với cơm mẻ và nước nghệ. Củ chuối thái mỏng, ngâm nước cho ra hết nhựa rồi cho vào nồi ninh nhừ. Nấu chung các thứ, nêm mắm muối.
Theo quan điểm Đông y thì ốc có vị nhạt, tính hàn, không độc dùng để trừ thấp nhiệt, tiêu thũng, thông lâm (sỏi). Con ốc và nước ốc dùng để giải độc rượu, trị chứng tiêu khát (đái tháo đường). Củ chuối hột có tính chát và thu liễm, dùng để trị bệnh tiêu khát. Thịt lợn và đậu phụ là những chất protid cần dùng trong thực đơn của người đái tháo đường. Mùi vị của món ăn này rất đặc biệt, làm giảm cảm giác khát nước, đói bụng của người đái tháo đường.
3. Củ mài 30g, bí đao 100g, lá sen 60g. Lá sen sắc lấy nước, bỏ cái, nấu với củ mài và bí đao thành cháo, ăn ngày một lần. Củ mài (tên thuốc là Hoài sơn) là một vị thuốc có vị ngọt, tính bình có nhiều tác dụng, một trong số đó là dùng để chữa chứng tiêu khát. Các nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy củ mài có khả năng làm giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Trong khi đó lá sen và bí đao là những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giảm khát rất tốt. Ngoài ra lá sen còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ.
4. Củ mài 60g, tụy heo 1 cái, Sinh địa 30g. Sắc tụy heo trước 30 phút rồi cho thuốc vào cùng sắc. Uống nước và ăn thịt có thể thay cho bữa ăn, dùng liên tục từ 15-20 ngày. Theo Đông y, Sinh địa là một trong những vị thuốc thường được sử dụng do có nhiều công dụng khác nhau như thanh nhiệt, bổ huyết… Các nghiên cứu dược lý cho thấy nước sắc sinh địa có tác dụng kháng viêm, giảm đường-huyết, giảm huyết áp…
Kinh nghiệm từ xưa hay sử dụng tụy heo vừa là một món ăn vừa là một vị thuốc dùng để chữa chứng tiêu khát khi cùng phối hợp các loại thức ăn khác như xào với củ cải, hẹ, mướp đắng… Một số thử nghiệm ở Nga gần đây cho thấy tế bào tụy tạng heo có khả năng giúp bệnh nhân đái tháo đường sản xuất được insulin.
5. Hoàng kỳ 30g, Củ mài 60g. Hoàng kỳ sắc còn 300ml bỏ xác, cho bột Củ mài vào trộn đều nấu cháo ăn 1-2 lần mỗi ngày. Hoàng kỳ là một vị thuốc có vị ngọt tính ấm, có tác dụng bổ khí. Tác dụng dược lý của Hoàng kỳ là làm tăng cường miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy quá trình chuyển hóa của cơ thể, hạ áp…
6. Dùng quả mướp đắng tươi từ 1-2 trái nấu canh ăn hằng ngày. Có thể nấu chung với thịt heo để dễ ăn. Ngoài ra có thể dùng mướp đắng thái mỏng, sấy khô, hãm uống như nước trà. Mướp đắng có vị đắng tính lạnh, có tác dụng trừ nhiệt, làm sáng mắt, giải phiền khát… Ở nhiều nước trong khu vực (Philippines, Trung Quốc, Việt Nam…), mướp đắng được sử dụng như một vị thuốc để điều trị bệnh đái tháo đường rất hiệu quả. Ngoài ra các nghiên cứu của Nhật Bản còn cho thấy mướp đắng có khả năng hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư và kéo dài tuổi thọ của người bệnh ung thư.
Trên đây là một vài món ăn thông dụng có thể góp phần hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn sẽ góp phần quan trọng trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, có một số trường hợp chỉ với việc điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện đúng cách cũng đã có thể ổn định được đường-huyết, nhất là đối với những trường hợp mới mắc, mức độ nhẹ, chưa có các biến chứng nguy hiểm.
ThS. BS. Lê Ngọc Thanh (Bệnh viện Đại học Y Dược)