'Food porn', khi món ăn mang đến những 'khoái cảm' dị thường
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 12:25, 19/12/2015
Food porn, là một thuật ngữ ấn tượng trong ẩm thực, phản ánh một thứ khoái cảm lạ lùng mang tên đồ ăn.
“Food porn” (Khiêu thực) – là một hình thức quảng cáo qua việc quay lại quá trình nấu nướng hoặc thưởng thức đồ ăn, sau đó đăng tải lên các phương tiện truyền thông. Thông thường, những món ăn được đem ra trình diễn thường có hàm lượng chất béo cao hoặc chứa nhiều calo, được người trình diễn thưởng thức một cách mê say, thậm chí họ phải trình diễn được sự khoái cảm trong việc ăn uống không thua kém gì trong tình dục.
Có rất nhiều hình thức khiêu thực, trong đó việc chụp ảnh lại những món ăn và trình bày nó một cách thật hấp dẫn là những hình thức phổ biến nhất. Nhìn từ góc độ này, ta có thể thấy việc chụp ảnh “khiêu thực” có gì đó gần giống với chụp ảnh quảng cáo hoặc thậm chí là chụp ảnh “khiêu dâm”.
Đam mê trong nấu nướng và thưởng thức đồ ăn thật ra đã từng được Rosalind Coward đề cập đến trong cuốn “Khát khao của phụ nữ” năm 1984 như sau:
“Nấu nướng và trình bày đồ ăn một cách đẹp mắt là hành động đầy hấp dẫn. Đó là cách để người phụ nữ thể hiện tình cảm qua một món quà… Việc chúng ta chế biến một món ăn thật hoàn hảo và trình bày nó theo cách đẹp mắt thể hiện sự sẵn sàng và niềm vui sướng được phục vụ người khác. Chụp ảnh lại những món ăn thật ngon mắt là cách hoàn hảo nhất để thực hiện việc khêu gợi bằng thực phẩm này. Những tấm ảnh luôn thể hiện một cách rõ nhất sự đam mê được truyền lại trong từng món ăn. Nó luôn đẹp, và khiến người ta phải thèm muốn.”
Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt giữa việc “khiêu thực” – tức là sử dụng các món ăn để hấp dẫn đối phương – và sử dụng đồ ăn cho mục đích khiêu dâm. Tại Mỹ, “khiêu thực” là cụm từ được hiểu như là “một hành vi quảng cáo của các nhà sản xuất thực phẩm, sử dụng tâm lý bài trừ các thực phẩm có hàm lượng calo thấp và chế độ ăn kiêng khắc khổ bằng cách trình diễn những món ăn có lượng chất béo cực cao và là nguyên nhân gây ra chứng tắc động mạch.”
Thuật ngữ này được cho là bắt nguồn từ Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng, khi họ cho ra mắt một mục tên là “Right Stuff vs. Food porn” (Tạm dịch: Đồ ăn và khiêu thực) trên tạp chí Dinh dưỡng và sức khỏe, bắt đầu từ ấn bản tháng Giêng năm 1998.
Tại Anh, thuật ngữ này cũng trở nên phổ biến từ những năm 90s trong chương trình nấu ăn có tên Two Fat Ladies (Hai người phụ nữ đẫy đà) – một chương trình có nội dung “đầy khêu gợi” với cả tấn bơ và kem – theo như nhà sản xuất mô tả.
Khiêu thực với kinh doanh
Giờ đây, việc chụp ảnh món ăn trở nên ngày càng thịnh hành với giới trẻ trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu của YPulse, 63% số người trong khoảng từ 13 đến 22 tuổi đăng ảnh món ăn của họ lên mạng xã hội trong lúc thưởng thức nó. Ngoài ra, 57% số người trong độ tuổi này còn đưa lên thông tin về những món ăn mà họ đang thưởng thức. Những con số này cho thấy, đồ ăn và mạng xã hội đang kết nối với nhau, tạo thành một trào lưu mới.
Giờ đây mọi người sử dụng hashtag #foodporn một cách vô thức, nhưng chính hành động này đang giúp các nhà sản xuất thực phẩm thu hút thực khách qua mạng xã hội mà không cần mất công điều tra nghiên cứu. Chỉ tính riêng trên Instagram hiện nay đã có khoảng 54 triệu tấm ảnh về đồ ăn thức uống có đính hashtag #foodporn.
Khiêu thực với cộng đồng và văn hóa
“Khiêu thực” ngày nay đã khác rất xa so với lần đầu tiên nó xuất hiện trước công chúng. Những bài báo đầu tiên đề cập đến cụm từ này xuất hiện từ cuối những năm 70, khi đó nó được diễn giải một cách văn vẻ, mô tả những món ăn không tốt cho sức khỏe và so sánh trực tiếp nó với các nội dung khiêu dâm. Sau này cụm từ đó được mang một ý nghĩa mới là việc chế biến và trình bày món ăn một cách có thẩm mỹ và hấp dẫn.
Sau hơn một thập kỷ tồn tại, nghĩa của cụm từ này lại thay đổi khi mạng xã hội bùng nổ. Trong những năm 2000, thuật ngữ này được dùng để chỉ hành động quay phim/chụp ảnh lại những món ăn nhằm phục vụ các bài thuyết trình. Không lâu sau đó, hình ảnh về những món ăn bắt mắt tràn ngập trên internet, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội hỗ trợ tranh ảnh như Instagram, Flickr, Snapchat, Facebook hay Twitter. Thậm chí việc liên tục đăng hình những món ăn cũng giúp không ít người tạo lập được một cộng đồng tương tác xung quanh mình.
Với sự phát triển của trào lưu hashtag, #foodporn trở thành lá cờ liên kết người với người, chia sẻ mọi thứ xung quanh vấn đề ăn uống như nền văn hóa, lượng calo trong mỗi món ăn, quá trình chuẩn bị, hương vị ra sao… tất tần tật những thứ có thể giúp người khác cảm nhận được món ăn đó mà không được trực tiếp thưởng thức.
Thông thường, “khiêu thực” chỉ là hình ảnh của các món ăn được đưa trên các phương tiện truyền thông xã hội như TV, tạp chí ẩm thực, blog, trang web hay các trang mạng xã hội… Nhưng lý do lớn nhất để “khiêu thực” trở thành hiện tượng có khả năng kết nối mạnh mẽ là bởi con người phải tiếp xúc với thực phẩm hàng ngày. Chỉ với hashtag #foodporn, rào cản ngôn ngữ bị xóa mờ, và “khiêu thực” đã trở thành hiện tượng toàn cầu.
Thanh Thanh (Depplus/VnTinnhanh)