Trà tiên – Loại dược thảo giúp ướp trà thêm ngon, thêm khỏe
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 07:00, 18/03/2016
Vào cuối năm, tôi có dịp đến với vùng đất Đà Lạt. Sau hơn 10 giờ đồng hồ trên xe giường nằm, tôi đặt hai chân xuống ven đường trong cơn gió lành lạnh của thành phố sương mù.
Những ngày ở đây, tôi được bạn bè tiếp đón nồng nhiệt với đầy đủ tiệc tùng, bánh kẹo, thậm chí lai rai cả rươu bia. Thế nhưng điều đọng lại trong tôi ngoài sự vui vẻ và hiếu khách của bà con nơi đây, là một thú vui tao nhã không thể thiếu vào mỗi buổi sáng: Uống trà.
Trà tiên (Ocimum basilicum L. var. pilosum (Willd.) Benth.) thuộc họ bạc hà (Lamiaceae), tên khác là é, é trắng, tiến thực, rau húng lông, húng quế lông, là một cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 50cm. Thân và cành vuông, màu lục nhạt, có lông thưa. Lá mọc đối, hình bầu dục, dài 5-6cm, rộng 2-3cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt đều có lông ở gân, mặt dưới dày hơn và có những điểm tuyến rất nhỏ và rõ.
Toàn cây vỏ có mùi thơm giữa mùi chanh và sả. Về hình hái, trà tiên giống húng quế, chỉ khác phía trên có nhiều cành, lá hoa đều có lông, do đó có tên pilosum (lông mềm thưa). Tên là tiến thực vì ăn ngon, trước kia người dân tiến vua chúa dùng.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành xim gồm nhiều hoa màu trắng xếp thành vòng rất sít nhau; đài mọc thõng xuống rồi cong lên, có ống ngắn hình chuông – 5 răng không đều phủ đầy lông thô; tràng có ống cong và cánh tròn chia hai môi; nhị vượt ra ngoài ống tràng. Quả bế nhỏ, có đài tồn tại và 4 hạt màu xám đen. Mùa hoa quả vào tháng 7 - tháng 8.
Toàn cây trà tiên chứa tinh dầu với hàm lượng từ 2,5-3%, có thể đến 5%. Hàm lượng tinh dầu cao nhất vào lúc cây ra hoa. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là citral với tỷ lệ 56-75% và nhiều chất khác. Ngoài ra, cây còn chứa các polyphenol, flavonoid, thymol, quercetin, acid cafeio, acid rosmarimic.
Dược liệu trà tiên có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng phát hãn, giải biểu, khu phong, lợi thấp, tán ứ, chỉ thống.
Theo dân gian, trà tiên thường dùng để chữa cảm mạo, phong hàn, đau đầu, đau dạ dày, bụng trướng đau, phong thấp, đau nhức khớp xương, hãm uống làm thuốc mát, nhuận tràng, lợi tiểu.
Nếu dùng trà ướp loại thảo dược này thường xuyên sẽ củng cố thêm sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và giảm stress.
- Làm thuốc xông chữa cảm, cúm, sốt, đau đầu:
Lá trà tiên tươi 20-30g, dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá thơm khác như lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu…, mỗi thứ 10g, nấu nước xông cho vả mồ hôi là khỏe.
- Chữa đau bụng, trướng bụng, ăn không tiêu, nôn mửa:
Cành lá trà tiên phơi khô, cắt nhỏ 10-20g, hãm nước uống trong ngày. Có thể uống như uống trà cũng tốt.
- Chữa táo bón:Hạt trà tiên 4-12g, ngâm vào 100ml nước ấm đến khi bên ngoài hạt có một lớp nhầy màu trắng bao quanh như thạch trân châu. Thêm đường, khuấy đều và uống.
- Chữa viêm thận, viêm bàng quang, đái gắt, đái buốt:Tinh dầu trà tiên, 3-6 giọt, pha với sirô và nước thành nhũ tương, uống trong ngày.