6 món ăn nổi tiếng thế giới không dành cho người yếu tim
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 12:35, 24/03/2017
1. Cá nóc (Nhật Bản)
Cá nóc từ lâu đã là một món đặc sản ở Nhật Bản, tuy vậy loại cá này chứa chất độc tetrodotoxin, ngoài việc gây ngứa, làm tê liệt cảm giác... thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nơi chứa nhiều độc tố nhất của cá nóc là phần nội tạng như buồng trứng, trứng và thận.
Chính vì độc như thế nên ở Nhật, chỉ những đầu bếp được đào tạo nghiêm túc và được cấp phép mới có thể chuẩn bị món ăn này. Cá nóc thường được thái thành lát mỏng. Người ta bảo cá nóc có mùi vị giống như thịt gà. Sự nổi tiếng của món cá nóc khiến nhiều người mạo hiểm ăn món này ở những nơi không chính thống, nhưng ngược lại, nhiều người thì dù biết món này siêu nổi tiếng cũng không dám thử.
2. Cá mũ làn (Thái Bình Dương và Đại Tây Dương)
Thịt cá mũ làn nổi tiếng bởi hương vị nhẹ và độc đáo, từng được nhiều người sánh với thịt tôm hùm. Tuy thơm ngon là thế nhưng loại cá này có đầy gai độc trên người nên chỉ có những đầu bếp giàu kinh nghiệm mới có thể chuẩn bị nó đúng cách.
Cá mũ làn đỏ sống chủ yếu ở dọc theo bờ biển ấm của Úc và New Zealand, và một số loài mũ làn lại được tìm thấy ở Địa Trung Hải và Biển Đen. Dù thịt cá ngon có tiếng nhưng bởi tiếng cá độc mà nhiều người khá ái ngại khi nếm thử loại cá này. May mắn thay, hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra thuốc giải độc cho chất độc của cá mũ làn đỏ.
3. Ấu trùng kiến (Mexico)
Món ấu trùng kiến (Escamoles) được làm từ trứng của loài kiến đen to khổng lồ tên là Liometopum. Loài kiến này thường sống dưới gốc cây agave ở Mexico. Món đặc sản kỳ lạ này có hương vị đậm đà và béo như bơ còn kết cấu thì như phô mai.
Trứng kiến đen không có độc tuy nhiên, nếu được chuẩn bị không đúng cách, những con kiến đen chứa độc có thể bị lẫn vào món ăn có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Và đó là lý do khiến một số người e ngại không dám thưởng thức món đặc sản này.
4. Ackee (Jamaica)
Ackee là một loại quả quả nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Phi. Ở Jamaica, quả ackee rất phổ biến. Tuy vậy quả này chỉ có thể ăn được khi đã chín và phần phần ăn được duy nhất của quả là phần thịt quả màu vàng. Khi ăn, người ta phải cẩn thận tách lấy phần thịt vàng, còn hạt đen chứa chất độc bỏ vứt riêng.
Quả này nếu không được ăn đúng cách có thể khiến người ăn bị ngộ độc, hôn mê, thậm chí tử vong. Đó là do khi trái này chưa chín có chứa chất độc gọi là hypoglycin. Trên thực tế cá ướp muối với Ackee là một đặc sản khó có thể bỏ qua khi đến Jamaica, nhưng vì tiếng "quả độc", ăn không cẩn thận dễ trúng độc mà nhiều người cũng tỏ ra thận trọng khi thưởng thức quả này
5. Cá đá (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương)
Tính đến nay, cá đá (cá mặt quỷ) là một trong loại cá độc nhất được phát hiện. Chỉ cần chạm vào những ngạnh sắc nhọn ở lưng con "quái vật" này là bạn đã có khả năng tử vong bởi vây của cá đá có những đốm cực kỳ độc. Nọc độc của chúng gây ra những đau, sốc dữ dội, tê liệt và có thể dẫn đến tử vong. Những người sống sót sau vụ tấn công của loài cá này thường phải mất nhiều tháng để phục hồi sức khỏe.
Tuy có độc tố mạnh và hình thức xấu xí nhưng khi nấu chín, thịt cá lại có màu trắng, mùi vị thơm, ngon, dai và ngọt, ít có thứ cá nào sánh kịp. Tất nhiên để thưởng thức món này đòi hỏi người đầu bếp phải có tay nghề cao. Tuy vậy bởi "danh tiếng" về độc tố của nó vẫn khiến nhiều người ái ngại khi thưởng thức.
6. "Pho mát phân hủy" Casu Marzu (Sardinia, Ý)
Để làm pho mát Casu Marzu, trước tiên phải làm pho mát Pecorino. Và tạo ra loại pho mát này cần phải có sữa cừu. Để đẩy nhanh quá trình lên men, người ta để một loài ruồi đẻ trứng vào pho mát. Những quả trứng ruồi khi nở thành giòi sẽ ăn chất béo trong pho mát, làm cho món ăn mềm, mịn và có hương vị đặc biệt.
Casu Marzu là một đặc sản địa phương cực kì được ưa chuộng. Nó rất cay, cực kì mềm và thường làm người ăn phải ứa nước mắt. Nhưng vấn đề là giòi sống trong pho mát mà Casu Marzu có thể gây ra dị ứng hay gây ra nguy cơ sán dạ dày và nhiễm ấu trùng đường ruột. Bởi thế, loại pho mát bị hội thực phẩm Châu Âu gắn mác bất hợp pháp vì không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh. Tuy nhiên, vào năm 2010, món ăn này được công nhận là một phần của di sản văn hóa của Sardinia.
Theo Tri Thức Trẻ