Mùa cốm: Chuyên gia chỉ cách nhận biết và ăn thế nào để tốt cho sức khỏe, đẹp da
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 11:26, 25/09/2017
Cốm vào mùa - Những lợi ích sức khỏe từ cốm đừng vội bỏ qua
Vào tháng 9, khi những cơn gió heo may nhè nhẹ tìm về, ấy là lúc tiết trời đã sang thu, đem đến không khí dịu dàng, mát mẻ hơn hẳn. Mùa thu là mùa rất ngắn ngủi nhưng lại có rất nhiều thứ khiến người ta phải vương vấn, luyến lưu. Một trong những thức quà tuyệt vời của mùa thu đó là cốm .
Cốm được sản xuất nhiều vào mùa thu, nhất là vào khoảng thời gian rằm tháng 8. Người ta tin rằng lúc này, khi hạt lúa uống đủ dưỡng chất, nhận đủ heo may, không phải dạng non búng ra sữa, càng chẳng phải chín già, những hạt lúa căng mẩy đủ độ để cho ra đời những hạt cốm non, thơm ngon và bổ dưỡng.
Những hạt cốm dẻo thơm là thứ quà bình dị, dân dã mà tinh tế và mang đậm hương sắc Việt Nam vào mỗi độ Thu về. Từ những bông lúa nếp mới qua thời kỳ ngâm sữa được gặt lộ ra những hạt cốm xanh rờn, dẻo thơm và trong thành phần chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong cốm chứa nhiều protein thực vật, tinh bột, nước, lipid, gluxit, canxi và phốt pho…
Cốm có chứa chất xơ, protein, vitamin... giúp bạn phòng cao huyết áp và bệnh tim mạch, ngừa bệnh đường ruột và táo bón, đồng thời giúp tăng chiều cao... Giàu chất xơ nên ăn cốm rất tốt cho hệ tiêu hóa, trị đầy bụng, táo bón nếu ăn ở mức độ vừa phải. Lượng chất xơ và protein trong cốm làm giảm mỡ máu, ngừa bệnh tim, đột quỵ. Chất béo và lipid từ cốm giúp làm đẹp da , giúp da luôn căng bóng, tránh mất nước, khô da…
Mặc dù cốm có rất nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng nếu không được lựa chọn kỹ càng, cẩn thận, đúng nơi sản xuất uy tín thì rất có thể sẽ gặp nhiều tổn hại sức khỏe. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn ăn cốm khi đang vào mùa vừa tốt cho sức khỏe lại giúp làm đẹp da tốt nhất.
Chọn đúng cốm thơm ngon, bổ dưỡng để tốt cho sức khỏe
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), điều đáng lo ngại nhất khi ăn cốm là chẳng may ăn phải cốm tẩm hóa chất. Cốm dù được nhuộm những chất màu được phép cũng độc hại cho sức khỏe vì đây là thực phẩm ăn trực tiếp và không được kiểm soát hàm lượng chất màu. Chuyên gia nhấn mạnh, bất kể là chất màu nào, dù được phép sử dụng cũng là nguy hiểm khi phun vào cốm. Bởi vì, các hóa chất tạo màu này cũng chỉ được phép sử dụng trong ngưỡng nhất định, nhưng thực tế thì chẳng ai kiểm soát được hàm lượng sử dụng các hóa chất này. Cốm được ăn trực tiếp, do đó, nguy cơ nạp hóa chất vào cơ thể có nguy cơ cực lớn.
Theo chuyên gia, muốn mua được cốm ngon nhất, bạn nên mua cốm vào buổi sáng vì đây thường là thời điểm cốm tươi mới nhất, có hương thơm tự nhiên quyến rũ nhất, khi ăn vào không sợ cứng hoặc đã bị hỏng.
Cốm có nhiều loại khác nhau như cốm chiên, cốm dẹt, cốm tròn… Khi mua nhiều loại khác nhau, bạn cần để riêng từng gói để tránh nhầm lẫn, làm mất mùi vị hương thơm riêng của từng loại cốm. Đồng thời, ăn riêng từng loại cũng giúp hấp thu chất dinh dưỡng trong cốm tốt hơn.
Mua cốm về chưa ăn ngay, bạn cần để cốm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt có thể ảnh hưởng đến mùi vị của cốm, đánh mất mùi thơm vốn có của cốm. Không nên mua nhiều cốm mà chỉ nên mua đủ lượng ăn trong ngày, tránh để quá lâu. Không nên để tủ lạnh quá lâu có thể khiến cốm bị cứng, mất mùi vị hương thơm vốn có.
Khi mua cốm, bạn cũng cần xem rõ nguồn gốc, xuất xứ, những nơi sản xuất uy tín để hạn chế tối đa ăn phải cốm nhuộm phẩm màu, hay có đường hóa học, không tốt cho đường tiêu hóa và sức khỏe nói chung về lâu dài.
Bạn cũng có thể nhận biết cốm sạch – cốm nhuộm hóa chất nếu tinh ý. Cốm nhuộm có màu vàng xanh tươi, màu không thật, còn cốm không nhuộm thì có màu vàng của lá lúa héo, màu xỉn hơn, hơi xám xám, có màu vàng ánh lục.
Tiểu Nguyễn/Tri Thức Trẻ