Điều gì sẽ xảy ra nếu trà và cà phê là thứ bạn uống duy nhất trong ngày?
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 15:23, 10/05/2018
Môi trường công sở với nhịp làm việc liên tục khiến nhiều người trong chúng ta mất đi thói quen uống nước, thay vào đó là các thức uống chứa caffein như trà và cà phê giúp bạn giữ được sự tỉnh táo và luôn sẵn có trong phòng làm việc. Vậy điều gì có thể xảy ra với cơ thể bạn nếu cả ngày bạn chỉ uống trà và cà phê, không có nước?
Một số người cho rằng uống trà và cà phê sẽ làm bạn mất nước thay vì bổ sung nước cho cơ thể. Quan điểm này đã được chứng minh là chưa hoàn toàn chính xác, mặc dù khía cạnh hydrat hóa (Cấp nước) của các đồ uống chứa caffein này lớn hơn tác dụng lợi tiểu mà chúng mang lại. Chúng bị coi là làm bạn mất nước phần nhiều là do cảm giác khô miệng mà bạn gặp phải sau khi sử dụng tuy nhiên cảm giác này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cơ thể bị mất nước.
Tiến sỹ Ali Webster – Giám đốc truyền thông về dinh dưỡng tại Tổ chức Thông tin thực phẩm Quốc tế (IFIC) đã đưa ra nhiều ý kiến trên cơ sở các nghiên cứu đã được tổ chức này thực hiện giúp bạn hiểu thêm về những lợi ích và tác hại của các loại đồ uống này trong thực tế, thay vì suy nghĩ tiêu cực và không có cơ sở của nhiều người hiện nay là chỉ có uống vài lít nước mỗi ngày mới là tốt cho sức khỏe, còn đồ uống chứa caffein chỉ mang lại những tác hại.
Trà và cà phê có tác dụng hydrat hóa mạnh hơn việc làm mất nước của cơ thể
Nếu bạn uống trà và cà phê cả ngày với liều lượng lớn, khoảng 5 cốc mỗi ngày, cơ thể bạn hoàn toàn có thể bị quá tải bởi lượng caffein trong đó, đồng thời gây ra tác dụng lợi tiểu nhỏ - tức là cơ thể bạn tăng sản xuất nước tiểu để loại bỏ được nhiều chất lỏng hơn. Tuy nhiên tác dụng hydrat hóa của trà và cà phê lớn hơn sự gia tăng nhỏ trong lượng chất lỏng cần giảm tải, do đó những đồ uống này thực sự đưa đến hiệu ứng tích cực về hydrat hóa. Thêm vào đó, bạn cũng hoàn toàn có thể điều chỉnh lượng uống cho phù hợp để làm giảm khía cạnh lợi tiểu của các loại đồ uống nói trên.
Cảm giác khô miệng sau khi uống
Một lý do khác khiến đồ uống có caffein thường được cho là làm cơ thể mất nước, đó là nhiều người cảm thấy khô miệng sau khi uống chúng. Thực tế đó là do chất tannins có nhiều trong trà, cà phê, sô cô la đen và thậm chí một số loại trái cây. Khi chúng ta ăn hoặc uống các loại thực phẩm này, tannins sẽ liên kết với nước bọt gây ra cảm giác khô, se trong miệng. Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, cảm giác này không liên quan tới việc cơ thể bị mất nước, bởi những thức uống nói trên chứa phần lớn chính là nước.
Cà phê cũng có tính hydrat hóa tương tự như nước?
Các nhà nghiên cứu tại Trường Thể thao và Khoa học thể dục Đại học Birmingham đã so sánh trực tiếp tác dụng của tiêu thụ cà phê với tiêu thụ nước thông qua một loạt các kỹ thuật đánh giá hydrat hóa. Nghiên cứu được thực hiện trên 50 nam giới, mỗi người tiêu thụ 4 cốc cà phê 200ml hoặc lượng nước tương tự trong 3 ngày, kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về một loạt các dấu hiệu huyết học và tiết niệu về tình trạng hydrat hóa giữa các thử nghiệm. Và họ suy luận rằng điều này cho thấy cà phê khi được tiêu thụ ở mức độ vừa phải cung cấp lượng nước tương tự như nước.
Tuy nhiên cần lưu ý đây chỉ là một thử nghiệm quy mô nhỏ, thời gian ngắn nên không thể phân tích các hiệu ứng lâu dài. Các nghiên cứu cũng được thực hiện trên những nam giới khỏe mạnh, không thể áp dụng cho các trường hợp có những bệnh lý nhất định như thận, tiêu hóa, người có nguy cơ mất nước cao hơn bình thường…
Lượng caffein nặng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác
Trong khi việc đồ uống chứa caffein có thể cấp nước cho cơ thể tương tự như nước hay không – tức thay vì uống nước bạn có thể uống cà phê - còn chưa được khẳng định, thì lời khuyên được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra là: Hãy uống trà hay cà phê như một loại đồ uống có chọn lọc bên cạnh các đồ uống khác và nước thay vì chỉ uống trà hay cà phê cả ngày. “Đối với hầu hết người trưởng thành có sức khỏe tốt, tiêu thụ khoảng 400mg caffein mỗi ngày là an toàn. Đó là khoảng 4 cốc cà phê thông thường hoặc 8 cốc trà đen. Trà xanh thì chứa ít caffein hơn trà đen, khoảng 25mg caffein cho mỗi cốc, và trà thảo dược thì thường không chứa caffein” – Tiến sỹ Webster khuyến nghị.
Bà cũng đồng thời cảnh báo rằng lượng caffein nặng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như: rối loạn dạ dày, ợ nóng, bồn chồn, tăng lo âu hoặc căng thẳng, mất ngủ, run cơ, tăng nhịp tim…
Trung bình khoảng 80% lượng nước chúng ta nạp vào cơ thể mỗi ngày là từ các loại đồ uống, 20% còn lại đến từ thức ăn, đặc biệt là các loại có hàm lượng nước cao như rau củ, trái cây. Lượng nước uống khuyến nghị mỗi ngày là 11 ly nước (2,2 lít) cho phụ nữ, 13 ly nước (3 lít) cho đàn ông, một số người có thể cần nhiều hơn nếu sống ở vùng khí hậu nóng hoặc hoạt động thể chất nhiều. Uống đủ nước là cực kỳ quan trọng để loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa chất của cơ thể. Người mắc bệnh thận hoặc người uống quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn có thể không lọc được lượng nước bổ sung một cách hiệu quả, dẫn tới việc có thể bị tích nước trong cơ thể. Chất lỏng dư thừa trong hệ thống tuần hoàn, các mô hoặc các khoang có thể gây sưng và xuất hiện các bọng ở bàn tay, bàn chân và các khu vực khác trên cơ thể.
Cách đơn giản nhất để theo dõi cơ thể bạn có được cung cấp đủ nước hay không, lượng nước trong cơ thể có cân bằng hay không là theo dõi màu nước tiểu của bạn – nó phải có màu vàng nhạt – và chú ý đến cảm giác khát. Nếu bạn cảm thấy khát, có thể bạn đã bị mất nước một chút, nếu bạn không khát và nước tiểu có màu vàng nhạt, bạn có vẻ đã nhận đủ lượng nước mình cần.
Theo Thời Đại