Bánh trung thu tại các quốc gia châu Á khác nhau như thế nào?

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 11:48, 18/09/2018

Dù mỗi nơi mỗi khác nhưng tất cả những nghi lễ, phong tục và món ăn tại các quốc gia châu Á đều là lời cảm tạ thiên nhiên, đất trời cũng như ước nguyện về một mùa màng mới bội thu.

Trung thu là dịp lễ diễn ra vào giữa mùa thu, thường vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, là ngày mà mặt trăng tròn đẹp và sáng nhất trong năm. Đây là dịp lễ quan trọng với nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc… Do chịu ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, thời điểm tháng 8 Âm lịch là khoảng thời gian thu hoạch mùa màng nên đây là dịp mọi người có thể nghỉ ngơi, quây quần gia đình và hưởng thụ thành quả lao động, đồng thời cảm tạ đất trời cũng như cầu mong về sự no ấm cho cả năm. Hãy cùng khám phá những quốc gia châu Á xung quanh chúng ta ăn gì vào dịp Trung Thu này nhé!

Việt Nam

Tết Trung Thu được diễn ra vào giữa mùa thu và mâm cỗ trông trăng của người Việt Nam là tổng hòa của những sản vật từ thiên nhiên rộ nở trong thời gian này. Đó là thức quà của mùa thu như bòng bưởi vàng nắng, những quả hồng chín mọng, bọc cốm xanh thơm ngát, nải chuối tiêu lốm đốm, cùng những món đồ chơi truyền thống cho trẻ em và đặc biệt không thể thiếu đó là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo bên ấm trà sen thanh khiết.

Dù chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, song chiếc bánh nướng Trung Thu đã được người Việt biến thành món ăn đặc trưng của riêng mình với những hương vị độc đáo chỉ Việt Nam mới có. Chiếc bánh nướng vàng óng, nhân thập cẩm mỡ đường, mứt bí, lạp xưởng, trứng muối và chút hương lá chanh gợi nhắc về sự đoàn tụ, viên mãn và no ấm. Ngoài ra, chiếc bánh dẻo mộc mạc ngon lành với bột nếp trắng tinh và hương hoa bưởi thơm ngát cũng là một nét tinh tế, nhẹ nhàng đặt bên cạnh bánh nướng óng vàng đầy đặn. Chính vì vậy, bánh nướng – bánh dẻo là cặp bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Trung Thu của người Việt.

Hàn Quốc

Lễ Trung Thu hay Chuseok, là dịp lễ lớn trong năm của người Hàn Quốc. Lễ Chuseok mang ý nghĩa là ngày lễ tạ ơn, thường kéo dài trong ba ngày là trước Trung Thu, Trung Thu và sau Trung Thu. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ và cùng nhau quây quần, nghỉ ngơi, tạ ơn tổ tiên vì đã cho một mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đủ đầy hơn nữa.

Mâm cơm ngày Chuseok của người Hàn Quốc có rất nhiều món, song không thể thiếu đó là món bánh gạo nếp hình bán nguyệt mang tên Songpyeon. Songpyeon được làm từ bột gạo nếp, nhân đậu xanh, mè đen hoặc hạt dẻ và được hấp cùng lá thông tươi. Khác với quan niệm "trăng tròn đầy" là viên mãn của Việt Nam, Trung Quốc, người Hàn Quốc cho rằng "trăng khuyết" mới là lý tưởng, bởi "trăng khuyết rồi sẽ tròn". Cùng làm Songpyeon là cách để gia đình gắn kết bên nhau trong dịp lễ Chuseok. Chiếc bánh nhỏ xinh này có vị ngọt thanh, mềm dai với chút hương lá thông ngai ngái, mang ý nghĩa về sự sinh sôi, nảy nở và hạnh phúc viên mãn.

Trung Quốc

Trung Thu là một trong 4 dịp lễ hội lớn nhất năm của người Trung Quốc, là dịp "Tết Đoàn Viên" để mọi người trong gia đình dù có ở đâu xa cũng có thể về đoàn tụ với gia đình. Tết Trung Thu ở quốc gia tỉ dân này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như chơi đèn lồng, mai mối, giải câu đố, ngắm trăng, thả hoa đăng…

Mâm cỗ ngày Trung Thu của người Trung Quốc cũng là những sản vật của mùa thu, như thịt vịt, bí đỏ, khoai môn, táo, lựu và đặc biệt không thể thiếu là chiếc bánh nướng. Người Trung Quốc chỉ có bánh nướng chứ không có bánh dẻo như người Việt Nam. Ở những vùng miền khác nhau sẽ có những kiểu bánh nướng khác nhau, nhưng loại nhân bánh thường gặp nhất là nhân đậu xanh, đậu đỏ, táo tàu, sen nhuyễn cùng trứng muối. Người Trung Quốc thường chuộng bánh Trung Thu có hình tròn, mang ý nghĩa tượng trưng cho "trăng tròn", "đoàn viên", ý nghĩa này được bắt nguồn từ thời nhà Minh.

Nhật Bản

Ngày nay, dù Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, song Otsukimi – Lễ hội ngắm trăng vẫn được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Người Nhật coi đây là dịp trăng tròn đẹp, vẹn toàn nhất trong năm. Lễ hội này đã du nhập vào Nhật Bản từ thời kỳ Heian, tức là khoảng 1.000 năm trước. Vào dịp lễ Otsukimi, người lớn sẽ cùng thong thả ăn bánh, ngắm trăng, trò chuyện còn trẻ em sẽ tham gia rước đèn lồng cá chép.

Theo quan niệm của người Nhật, trên mặt trăng không có Hằng Nga, chú Cuội mà chỉ có thỏ ngọc sống trên đó. Vào ngày trăng tròn đẹp nhất trong năm, thỏ ngọc sẽ giã bánh nếp Tsukimi Dango và người ở dưới mặt đất cũng vậy. Tsukimi Dango được làm từ gạo nếp, được nặn viên nhỏ tròn tượng trưng cho mặt trăng, khá giống với bánh mochi. Món bánh này sẽ được xếp chồng lên nhau như hình tháp trên một kệ gỗ, mỗi tháp bánh sẽ có khoảng 15 chiếc. Tháp bánh này sẽ được bày cùng những hạt dẻ, khoai môn và một bình cỏ Susuki bên hiên nhà hoặc gần cửa sổ để mọi người có thể vừa ăn, vừa thưởng trăng.

Singapore

Do có cộng đồng người Hoa đông đảo nên Trung Thu cũng là một dịp lễ hội lớn trong năm tại đảo quốc sư tử Singapore. Từ trước lễ Trung Thu cả nửa tháng, đường phố đã được trang hoàng với đèn hoa rực rỡ, chú sư tử Merlion biểu tượng cũng được đổi màu sặc sỡ như một chiếc đèn lồng. Khi trăng đã lên cao, trẻ em sẽ được vui chơi, ngắm trăng, còn người lớn sẽ tổ chức nhiều trò chơi, múa lân, múa rồng, múa sư tử để tạo ra không khí vui tươi, náo nhiệt.

Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ này tại Singapore. Bên cạnh bánh nướng theo phong cách truyền thống, Singapore là "thiên đường" của những hương vị bánh mới lạ. Có thể kể đến bánh Trung Thu kem lạnh, bánh Trung Thu rau câu và đặc biệt nhất là bánh dẻo lạnh. Khác với chiếc bánh trắng mộc mạc thơm hương bưởi của Việt Nam, bánh dẻo lạnh Singapore là cả một thế giới rực sắc màu, đầy sáng tạo, với nhân đậu xanh, sầu riêng, các loại hạt, trứng muối cùng lớp vỏ đủ màu là hương dâu, cà phê, trà xanh, chanh dây… Bánh dẻo Singapore phải bảo quản lạnh nên có vị mát, ngọt thơm và mềm dai.

Theo Kenh14