Cách để ngăn ngừa bệnh đường ruột
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 15:27, 30/11/2019
Để giúp hệ tiêu hóa có thể ổn định và cân bằng, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống của mình.
Ăn chậm nhai kỹ
Nước bọt được tạo ra khi nhai thức ăn có chứa enzyme amylase, giúp chuyển hóa thức ăn trong khi nhai. Khi nhai kỹ, thức ăn được nghiền thành các miếng nhỏ giúp quá trình tiêu hóa bên trong dạ dày tiêu tốn ít năng lượng và enzyme hơn, dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Sử dụng thêm thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men chứa vi khuẩn có lợi, giúp ngăn ngừa viêm đường tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích. Nên thêm thực phẩm có men vi sinh tự nhiên như kim chi, sữa chua, dưa muối, các loại rau củ quả muối vào bữa ăn, theo Patricia Bannan.
Ngoài ra, prebiotic là một loại chất xơ nuôi vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Chế độ ăn nhiều chất xơ này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột. Prebiotic có nhiều trong trái cây, rau và ngũ cốc.
Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ loét dạ dày, trào ngược, trĩ, viêm túi thừa và hội chứng ruột kích thích.
Chất xơ không hòa tan góp vào thành phần của chất thải, giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.
Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau, hạt, các loại đậu và ngũ cốc còn nguyên lớp cám.
Uống nhiều nước
Uống không đủ nước, chất xơ không thể thực hiện công việc của mình. Nước và chất xơ phối hợp với nhau để vận chuyển thức ăn xuyên suốt qua đường tiêu hóa. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, theo Patricia Bannan.
Vận động
Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để cải thiện tiêu hóa. Đi dạo sau bữa ăn có thể giúp ruột vận chuyển thức ăn tốt hơn.
Một nghiên cứu cho thấy tập thể dục vừa phải, như đạp xe và chạy bộ, làm tăng thời gian vận chuyển đường ruột lên gần 30%.
Nghiên cứu cũng cho thấy 30 phút đi bộ mỗi ngày đã cải thiện đáng kể chứng táo bón.
Tập ăn uống lành mạnh
Bạn nên chọn các loại thực phẩm lành mạnh, tránh các loại thức ăn công nghiệp, chứa nhiều hóa chất và đường tinh luyện chẳng hạn như thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm đông lạnh quá lâu, chế biến mất vệ sinh…
Bổ sung vào cơ thể các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng tự nhiên như rau củ quả (nên chọn rau củ quả hữu cơ), cá, hạn chế các loại thịt đỏ.
Thực phẩm giàu kẽm: kẽm là dưỡng chất cần thiết cho sự tái tạo của tế bào miễn dịch, những loại thực phẩm giàu kẽm giúp giảm tần suất và độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy và nhiễm trùng. Các loại thực phẩm giàu kẽm là sò, củ cải, cùi dừa già, đậu Hà Lan, lòng đỏ trứng, khoai lang, đậu phộng…
Ngoài ra, trong thực đơn hàng ngày, bạn cũng có thể bổ sung thêm tỏi, mật ong hoặc các loại thức ăn lên men chứa lợi khuẩn như sữa chua… Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, chống lại virus gây bệnh truyền nhiễm. Mật ong có tác dụng điều hòa chức năng tiêu hóa, cân bằng môi trường axit – kiềm trong đường ruột…
Hà Anh (t/h)