Chỉ dùng đậu bắp không thể chữa khỏi bệnh tiểu đường
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 14:36, 14/05/2015
Công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường của đậu bắp đang khiến dư luận xôn xao nâng thứ rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày thành một loại thần dược. Vậy đâu là sự thật?
Đậu bắp còn có tên là Mướp tây, bắp chà. Tên khoa học là Hibiscus esculentus, họ Bông.
Trong 100g quả đậu bắp có 660 UI vitamin A (13% nhu cầu hàng ngày), 0,2mg vitamin B1 (10%), vitamin C 21mg (35%), canxi 81mg(l0%), folacin 88mcg (44%), magiê 57mg (16%), thiamin 0,2mg (13%), ngoài ra còn có kali và mangan.
Đứng về mặt dinh dưỡng, đậu bắp là loại quả bổ dưỡng. Nhiều thành phần dinh dưỡng có mặt trong đậu bắp cao hơn trong các loại rau quả khác như canxi, kali, vitamin B6, ma giê, folate và acid alpha - linolenic.
Ngoài ra, đậu bắp còn rất giàu protein và hoàn toàn không có chứa cholesterol, vì thế nó rất có ích như những người mắc bệnh tim mạch, béo phì hoặc đơn giản là cần giảm cân.
1. Đậu bắp với bệnh tiểu đường:
Đậu bắp tuy là rau ăn nhưng có dược tính rất cao, thường được dùng để thanh nhiệt, giải khát, chữa bệnh táo bón... nhưng công dụng được biết đến nhiều nhất của loại quả này là dùng hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đậu bắp rất giàu chất xơ, kể cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chỉ cần nửa bát đậu bắp nấu chín có thể cung cấp cho bạn 2g chất xơ. Nếu để ở dạng tươi, lượng chất xơ này còn nhiều hơn nữa.
Chất xơ trong đậu bắp mang lại rất nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh táo bón và bệnh trĩ, giảm cholesterol trong máu nên giúp phòng bệnh cao huyết áp, mồi máu cơ tim, ngăn ngừa ung thư ruột kết.
Riêng với bệnh tiểu đường, chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định đường huyết rất tốt.
Bên cạnh đó, đậu bắp còn có một lượng lớn chất nhầy. Chất nhầy trong đậu bắp có thể nhận biết dễ dàng bằng cách chọn quả non ngắt đôi sẽ thấy, hoặc khi luộc đậu bắp, càng đun lâu thì nước càng sánh do chất nhầy ra nhiều.
Chất nhầy chứa trong đậu bắp có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng, chữa bệnh viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, chất nhày còn giúp hấp thu cholesterol của thực phẩm và của muối mật. Nó giữ cholesterol lại trong ruột, giúp cơ thể tái hấp thu nước, hấp thu những phân tử cholesterol vượt quá ngưỡng cho phép và bài thải theo phân ra ngoài, do đó giảm được cholesterol huyết.
Những thí nghiệm gần đây của các nhà khoa học cho thấy, đậu bắp có tác dụng hạ đường huyết.
Nếu dùng cao đậu bắp ở dạng lỏng, tác dụng của loại thảo dược này lên đường huyết chỉ cần thời gian từ 40 - 90 phút. Sau 90 phút, đậu bắp làm hạ 47,37% nồng độ đường huyết. Tất nhiên, tác dụng này chỉ có được ở liều chiết xuất cô đặc 30g/kg thể trọng cơ thể.
Đặc biệt, các nhà khoa học khẳng định, tuy tác dụng hạ đường huyết của đậu bắp không mạnh bằng insulin nhưng nó an toàn hơn, không gây hạ đột ngột như insulin, giúp huyết áp ổn định hơn và không có nguy cơ tụt xuống dưới mức cho phép.
Đậu bắp là thực phẩm lành, giàu chất xơ, lại có nhiều dược tính |
2. Thực hư bài thuốc chữa tiểu đường bằng 2 quả đậu bắp
Thời gian gần đây, người ta thường truyền nhau cách chữa tiểu đường chỉ bằng cách đơn giản là lấy 2 trái đậu bắp cắt bỏ đầu, cắt đôi theo chiều dọc rồi ngâm vào ly nước nguội để qua đêm.
Sáng hôm sau vớt đậu bắp rồi uống nước ngâm trước khi ăn sáng. Kết quả là đường trong máu sẽ xuống một cách không ngờ chỉ trong 2 tuần.
Bài thuốc này thực chất là bài thuốc truyền miệng, không phải là bài thuốc cổ phương được lưu truyền lại trong sách y văn, đồng thời cũng chưa có chứng nhận khoa học nào về tính hiệu quả của nó.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của bài thuốc, cách ngâm đậu bắp mục đích là để lấy chất nhầy. Mà trong chất nhầy của đậu bắp chứa chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan và nhiều hoạt chất quan trọng khác có tác dụng ổn định đường huyết.
Hơn nữa, với lượng đậu bắp được sử dụng không phải là nhiều, không gây độc hại nên người bệnh hoàn toàn có thể thử dùng.
Một cách sử dụng đậu bắp để điều trị tiểu đường khác là dùng thân, lá hoặc quả đậu bắp phơi khô rồi phối hợp với một số thảo dược như mướp đắng, lá ổi, lá sakê… sắc uống.
Nhiều người đã dùng thử bài thuốc này và khẳng định bài thuốc có tác dụng ổn định đường huyết rất tốt.
Tuy nhiên, việc sử dụng đậu bắp là chỉ là để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tốt hơn. Người bệnh tuyệt đối không từ bỏ liệu trình điều trị do bác sĩ chỉ định để dùng đậu bắp hoặc bất cứ loại thảo dược nào vì điều đó rất nguy hiểm.
3. Một số công dụng của đậu bắp bạn nên biết:
- Tốt cho tiêu hóa, chống ung thư ruột kết: Đậu bắp có chứa nhiều chất xơ vô cùng tốt cho sức khỏe của ruột kết và quá trình tiêu hóa nói chung.
- Nâng cao khả năng miễn dịch: Bổ sung đậu bắp vào bữa ăn của những người mới ốm dậy giúp nâng cao hệ miễn dịch rất tốt bởi trong đậu bắp rất giàu vitamin C.
- Tốt cho tim mạch: Chất xơ pectin trong đậu bắp góp phần hiệu quả trong việc giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch thường gặp ở người cao tuổi.
- Tăng cường thị lực: Lượng vitamin A và vitamin C có nhiều trong đậu bắp cũng giúp tăng cường thị lực. Phòng ngừa các bệnh về mắt.
- Chống dị tật thai nhi: Đậu bắp rất giàu axit folic (vitamin B9), đây là loại vitamin cực kỳ có lợi cho mẹ và bé trong thai kỳ, đặc biệt là với bé. Vitamin B9 giảm nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi, hỗ trợ sản xuất và duy trì các tế bào mới. Phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Một số nghiên cứu đã chứng minh các sợi của đậu bắp giúp ổn định lượng đường trong máu. Nó giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và duy trì trạng thái cân bằng đường huyết với bệnh nhân tiểu đường.
- Giảm cân: Đậu bắp có nhiều chất xơ, trong khi chứa ít calorie, rất thích hợp cho những người muốn ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên, những người bị lạnh bụng không nên ăn đậu bắp thường xuyên.
- Làm đẹp tóc: Chất nhầy và các dưỡng chất bên trong đậu bắp kết hợp với nước chanh sẽ giúp cho mái tóc của bạn trở nên chắc khỏe và bóng mượt hơn.
- Cải thiện sinh lý cho phái mạnh: Đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và thành phần dinh dưỡng khác, giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng cho quý ông.
- Chữa táo bón: Đậu bắp có nhiều chất xơ, lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp bằng 10% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Do đó đậu bắp sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.
- Giúp làm trắng và mịn da: Vitamin C và K trong đậu bắp cũng giúp giữ cho làn da của bạn tươi trẻ và khỏe mạnh.
H.V (TH)